Sáng mãi 'lửa' báo Than

90 năm trước - năm 1928, Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Cẩm Phả - Cửa Ông đã tổ chức xuất bản tờ báo Than. Sự kiện này đã trở thành dấu mốc lịch sử của báo chí cách mạng ở Vùng mỏ và là niềm tự hào của thế hệ những người làm báo Quảng Ninh. 90 năm - lửa báo Than hôm nay vẫn sáng mãi.

Ba lần phát hành báo Than

Sau quá trình xâm lược, ép triều đình nhà Nguyễn bán các mỏ than, cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, Quảng Ninh đã trở thành khu công nghiệp mỏ lớn nhất của thực dân Pháp, có đội ngũ công nhân tập trung đông đảo, là một trong những nơi được tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (gọi tắt là Đảng Thanh niên) - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt chú ý. Bởi vậy, trong các năm 1927-1928, Hội đã chủ trương đưa một số đảng viên ra Vùng mỏ vừa để “vô sản hóa” vừa để gây dựng cơ sở Đảng, vận động quần chúng làm cách mạng.

Lãnh đạo TX Đông Triều và TKV cắt băng khánh thành điểm di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh, tại Mạo Khê, ngày 12/11/2017. Ảnh: Xuân Quảng (CTV)

Cuối năm 1928, nhóm đảng viên từ Hải Phòng, Thái Bình ra Cẩm Phả, Cửa Ông đã họp lại thành lập 1 chi bộ, trực thuộc Thành ủy Hải Phòng. Đây là chi bộ Đảng Thanh niên đầu tiên ở Quảng Ninh.

Các hội viên rất coi trọng vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền và tổ chức tập thể. Lúc này, báo chí, truyền đơn của Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đưa về khu mỏ với số lượng không nhiều. Bởi vậy, Chi bộ Thanh niên ở Cẩm Phả - Cửa Ông đã tổ chức xuất bản tờ báo địa phương, lấy tên là báo Than, người phụ trách và cũng viết bài chính là đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ. Người phụ trách in là nữ đảng viên Vũ Thị Mai, công nhân nhà sàng. Tòa soạn báo đặt tại ngôi nhà nhỏ thuộc phố Boóc - đô (nay là phố Quang Trung, TP Cẩm Phả).

Một đoạn đường Đặng Châu Tuệ, đoạn chạy qua phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả).

Theo các nguồn tư liệu của Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Địa chí Quảng Ninh, báo Than bấy giờ in khổ nhỏ trên nửa trang giấy thếp học trò. Lúc đầu báo in thạch, sau phải in bằng cả muội đèn trộn hắc ín, rồi in bằng bàn đá. Báo Than số nào cũng có dòng khẩu hiệu lấy từ câu kết trong Tuyên ngôn Cộng sản của Mác - Ăngghen ở đầu trang: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”. Các tin, bài của báo Than chủ yếu phản ánh tình cảnh bị áp bức, bóc lột dã man và nỗi thống khổ hàng ngày của thợ mỏ, vạch trần tính chất bất công giữa lao động và tư bản, kêu gọi công nhân mỏ đoàn kết đấu tranh để tiến tới giải phóng giai cấp và dân tộc. Với những sự việc gần gũi, lời văn mộc mạc, dễ hiểu, báo Than thực sự trở thành người bạn tin cậy của đông đảo công nhân, người lao động, thợ mỏ, được mọi người bí mật truyền tay nhau đọc.

Báo Than có ảnh hưởng sâu rộng trong công nhân vùng than Cẩm Phả, Cửa Ông. Cuối năm 1929, sau số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga gây chấn động, mật thám Pháp truy lùng ráo riết. Đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai phải rút về Hải Phòng, một số đảng viên sa vào tay giặc, báo Than không ra được nữa.

Tháng 2/1930, các đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai được Thành ủy Hải Phòng đưa về Mạo Khê hoạt động. Ngày 23/2/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Mạo Khê. Chi bộ quyết định ra báo và lấy lại tên là báo Than. Người chủ chốt làm báo Than vẫn là Bí thư Chi bộ Đặng Châu Tuệ và đảng viên Vũ Thị Mai. Tờ báo đã có ảnh hưởng không chỉ trong mỏ Mạo Khê mà còn rộng khắp trong vùng.

Một số ấn phẩm báo Vùng Mỏ (của khu Hồng Quảng) và Báo Quảng Ninh xuất bản các năm 1962 và 1966 lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.

Trong cao trào cách mạng 1930-1931, thêm nhiều chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập nối tiếp ở Cẩm Phả, Hòn Gai, Vàng Danh, Uông Bí. Tháng 10/1930, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo thành lập Đặc khu ủy mỏ để liên kết các đảng bộ và chi bộ lẻ vào một Đảng bộ chung và chỉ định một Ban chấp hành lâm thời, đồng chí Vũ Văn Hiếu là bí thư. Hồi này, ở Đảng bộ Cẩm Phả - Cửa Ông có báo “Hầm mỏ”, ở Mạo Khê có báo “Mỏ than”. Đặc khu ủy quyết định ra chung một tờ báo và vẫn lấy tên là báo Than, với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận lớn hơn. Báo ra mỗi tháng 2 số, mỗi số in vài trăm bản và được phát hành khắp vùng mỏ. Rất tiếc là báo Than của Đặc khu ủy mỏ không tồn tại được lâu vì từ đầu năm 1931, Đặc khu ủy bị khủng bố dữ dội. Các đồng chí trong Đặc khu ủy lần lượt sa vào tay giặc. Báo Than ngừng xuất bản.

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, từ cuối năm 1928 đến đầu năm 1931, có lúc phải ngừng xuất bản nhưng báo Than đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong công nhân mỏ, phát huy vai trò để các Chi bộ, Đặc khu ủy tuyên truyền, vận động cách mạng, đoàn kết, tập hợp quần chúng Vùng mỏ dưới lá cờ của Đảng đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Than là nguồn lửa. Báo Than thực sự là nguồn lửa cách mạng đã ba lần tỏa sáng. Ba lần báo Than gắn liền với các bước trưởng thành của Vùng mỏ kiên cường, cách mạng và thực sự, báo Than xứng đáng góp một mốc son vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Kế thừa, phát huy truyền thống

Tự hào kế thừa và phát huy truyền thống của báo Than, những năm qua, Báo Quảng Ninh đã giữ đúng tôn chỉ mục đích là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Báo đã chủ động, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; những kết quả nổi bật của tỉnh cũng như các địa phương trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng nông thôn mới, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, xây dựng văn hóa và con người Quảng Ninh...

Đặc biệt, báo đã tăng cường tuyên truyền trên các ấn phẩm về những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh trong xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; những đột phá chiến lược của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các công trình, dự án trọng điểm, hợp tác. Chú trọng tuyên truyền, cổ vũ các tập thể điển hình, cá nhân tiêu biểu người tốt - việc tốt; những sáng kiến, cách làm hay trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Một buổi tọa đàm về tác phẩm báo chí đa phương tiện do Chi hội Nhà báo Báo Quảng Ninh tổ chức, ngày 15/6/2018. Ảnh: Minh Hà

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, những năm qua, Báo Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm. Từ 4 trang, báo đã nâng cấp lên 8 trang; từ in 2 màu, nay đã in 4 màu; từ 2 ấn phẩm là báo Quảng Ninh hằng ngày và báo Quảng Ninh Cuối tuần nay đã có thêm báo Quảng Ninh Điện tử; từ chỉ xuất bản bằng tiếng Việt, nay có thêm các phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung. Đặc biệt, trước xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại, từ tháng 9/2017, Báo Quảng Ninh đã chủ động xây dựng, đưa vào vận hành mô hình Tòa soạn hội tụ. Qua đó, góp phần làm các ấn phẩm của Báo Quảng Ninh thêm phong phú, đa dạng về thể loại, sinh động, hấp dẫn về hình thức, nội dung thu hút bạn đọc…

Sáng mãi lửa báo Than, những người làm báo Quảng Ninh nguyện kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tờ báo Đảng đầu tiên ở Vùng mỏ, không ngừng ra sức học tập, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu, đẹp, văn minh, hiện đại.

Trần Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/sang-mai-lua-bao-than-2407369/