Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt

Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là phương pháp kiểm tra tuyến tiền liệt có dấu hiệu ung thư hay không. Tuyến tiền liệt có ở nam giới, nằm phía dưới bàng quang và phía trước trực tràng, tạo thành một vòng bao quanh niệu đạo (niệu đạo là đường dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể).

Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là phương pháp kiểm tra tuyến tiền liệt có dấu hiệu ung thư hay không. Tuyến tiền liệt có ở nam giới, nằm phía dưới bàng quang và phía trước trực tràng, tạo thành một vòng bao quanh niệu đạo (niệu đạo là đường dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể).

Xét nghiệm chính được dùng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là xét nghiệm PSA trong máu. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn được khám trực tràng.

Ai cần được sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt?

Bác sĩ không thể xác định chắc chắn ai nên được sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bởi việc sàng lọc được thực hiện ở những người đàn ông không có triệu chứng của bệnh.

Trong hầu hết trường hợp, thời điểm nên bắt đầu thảo luận về sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là ở tuổi 50. Những người có yếu tố nguy cơ (như đàn ông da đen hoặc gia đình có tiền sử mắc ung thư tiền liệt tuyến) có thể được sàng lọc ở tuổi 40-45. Hầu hết bác sĩ khuyên không nên sàng lọc cho nam giới từ 70 tuổi trở lên, hoặc cho những người có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Hạn chế của việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt

Xét nghiệm PSA đôi khi cho kết quả “dương tính giả”, nghĩa là kết quả ung thư trong khi thực chất cơ thể không bị ung thư. Điều này dẫn đến những lo lắng không cần thiết và phải thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu - bao gồm sinh thiết có thể gây đau đớn.

Khi xét nghiệm PSA phát hiện ung thư, thường không thể biết được loại ung thư này thuộc nhóm ung thư có hại hay không. Do đó, đôi khi có những trường hợp ung thư được điều trị, dù khối u đó không có khả năng diễn tiến nghiêm trọng, và việc điều trị ung thư chứa các rủi ro, gây các tác dụng phụ. Chẳng hạn, điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể khiến nam giới bị rò nước tiểu và gặp phải các vấn đề về tình dục.

Đối với những người quyết định sàng lọc, các bác sĩ khuyên nên thực hiện sàng lọc sau mỗi 2-4 năm. Có thể ngừng sàng lọc sau tuổi 70 hoặc nếu bệnh nhân có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nếu thực sự bạn bị ung thư, đừng quá lo lắng vì ung thư tuyến tiền liệt thường không gây tử vong, bệnh thường tiến triển chậm.

THS-BS NGUYỄN THÀNH TRUNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_211014_sang-loc-ung-thu-tuyen-tien-liet.aspx