Sàng lọc sơ sinh ở Hà Tĩnh, từ miễn phí sang xu thế xã hội hóa

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2018 đến nay, Hà Tĩnh có khoảng 100 ca thực hiện sàng lọc sơ sinh bằng phương pháp lấy mẫu máu gót chân thông qua hình thức dịch vụ. Tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng đây là tín hiệu vui về chuyển biến của người dân đối với công tác xã hội hóa sàng lọc sơ sinh.

Chuyển biến nhận thức của người dân

Năm 2009, Hà Tĩnh bắt đầu triển khai đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy mẫu máu gót chân ở trẻ trong vòng 24 - 48 giờ đầu sau sinh. Điều này giúp phát hiện 2 bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là: Thiếu máu tán huyết; vàng da và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Đây là những bệnh lý mà trẻ có thể mắc phải trong thời gian đầu đời, nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ, để lại hậu quả nghiêm trọng về sau.

Lấy mẫu máu gót chân ở trẻ sơ sinh là bước sàng lọc quan trọng

Chị Hoàng Thị Thùy Dương - cán bộ Phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Bằng nhiều hình thức, sau gần 10 năm thực hiện ở 160 xã thuộc 7 huyện, thị, đến nay, đề án sàng lọc sơ sinh đã được triển khai rộng rãi tại 13 huyện, thị xã, thành phố với 191 xã. Đã có hàng chục ngàn mẫu máu gót chân ở trẻ sơ sinh được lấy gửi ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương để làm xét nghiệm, sàng lọc”.

Điều đáng mừng là từ khi có chương trình đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đến nay, nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt. Từ chỗ nhiều gia đình còn e ngại việc lấy máu gót chân trẻ sơ sinh làm trẻ đau, đến nay, nhiều người đã tự nguyện đề xuất được lấy mẫu máu gót chân cho con, cháu mình.

Quá trình thực hiện đề án sàng lọc ở Hà Tĩnh được triển khai bài bản với sự hướng dẫn, tập huấn của các bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Sản phụ Nguyễn Thị Mơ (xã Phù Việt, Thạch Hà) cho biết: “Sau khi sinh con, em và gia đình đã được các bác sỹ tư vấn sàng lọc cho trẻ để phòng các bệnh, tật cho con mình, nếu bệnh phát hiện sớm thì sẽ kịp thời điều trị cho con khỏe mạnh. Theo em, đây là việc làm cần thiết mà các mẹ cần biết để con mình không bị thiệt thòi”.

Bác sỹ Võ Thị Oanh – Phó Trưởng khoa Sản BVĐK huyện Thạch Hà trao đổi: “Tại bệnh viện, bác sỹ là người trực tiếp tư vấn cho gia đình sản phụ để sàng lọc cho bé nên thời gian qua, sàng lọc sơ sinh ở Thạch Hà đạt kết quả cao. Tuy nhiên, tại bệnh viện, mỗi năm có bình quân 1.200 - 1.500 cháu được sinh ra, trong khi số mẫu được cấp về còn quá ít, chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 số lượng nên rất nhiều trẻ chưa được thực hiện quyền lợi này”.

Hướng tới xã hội hóa thực hiện sàng lọc

Nếu như trước đây, tỷ lệ trẻ em sinh ra được thực hiện sàng lọc đạt thấp thì trong gần 2 năm trở lại đây, các địa phương đều đạt và vượt mức chỉ tiêu giao. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có những thời điểm, chương trình sàng lọc bị gián đoạn do hết mẫu giấy thấm. Kèm theo đó, có rất nhiều trẻ sơ sinh không được hưởng quyền lợi này.

Lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh tại BVĐK Hà Tĩnh

Với nguồn kinh phí từ trung ương và hỗ trợ từ UBND tỉnh, chương trình tầm soát sàng lọc sơ sinh cho trẻ ở Hà Tĩnh vẫn đang trong giai đoạn miễn phí. Tuy nhiên, trong lộ trình sắp tới, hoạt động xã hội hóa các biện pháp nâng cao chất lượng dân số sẽ từng bước được triển khai.

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng và một số bạn bè, tôi cũng đã tìm hiểu và thấy rõ tầm quan trọng của việc sàng lọc sơ sinh qua việc lấy mẫu máu gót chân. Chính vì thế, trước thực trạng mẫu máu không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, tôi đã nhờ người nhà liên hệ ra trung ương để thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc theo hình thức dịch vụ cho con mình” - chị Nguyễn Thị Hợp (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.

Tiếp cận hình thức dịch vụ là xu thế tất yếu, phù hợp lộ trình hướng tới thực hiện xã hội hóa chương trình sàng lọc sơ sinh. Theo đó, việc sàng lọc miễn phí sẽ tập trung ưu tiên cho các đối tượng là các gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Anh Thư

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/y-te/sang-loc-so-sinh-o-ha-tinh-tu-mien-phi-sang-xu-the-xa-hoi-hoa/171291.htm