Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam

Đây là tên của một tổ chức nghiên cứu độc lập được chính thức ra mắt vào chiều 19/9, tại Hà Nội. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các bộ ngành liên quan, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu quốc tế, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững.

Giới thiệu về Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIET), TS. Hà Dương Minh - Giám đốc và đồng sáng lập VIET cho biết: Được thành lập vào cuối năm 2018, VIET là một tổ chức nghiên cứu độc lập với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có độ tin cậy cao.

"Sự độc lập có nguồn gốc từ sự độc lập trong nghiên cứu của từng chuyên gia. Là một doanh nghiệp xã hội, mọi lợi nhuận đến từ các hoạt động của VIET sẽ được tái đầu tư cho nghiên cứu và giáo dục", TS. Hà Dương Minh chia sẻ.

Sự kiện ra mắt là dịp để VIET giới thiệu những định hướng nghiên cứu mà tổ chức này có thể đóng góp cho Việt Nam; giao lưu giữa cộng đồng các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, với các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Đội ngũ các nhà nghiên cứu của VIET thực hiện các phân tích chuyên sâu nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trong tương lai, VIET sẽ là cầu nối hợp tác giữa các các nhà khoa học và các nhà lập chính sách nhằm để đưa ra các quyết định phù hợp thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống năng lượng Việt Nam phát triển với độ tin cậy cao và bền vững. Quá trình chuyển đổi này sẽ đóng góp lớn vào việc cắt giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cam kết quốc gia của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP21 (Paris, 2015) cũng như các cam kết quốc tế khác liên quan đến phát triển bền vững mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian gần đây.

TS Hà Dương Minh cho biết thêm, hoạt động chính của VIET là thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, kết hơp với tổ chức các buổi trao đổi giữa các nhà nghiên cứu và các nhà lập chính sách đang hoạt động trong lĩnh vực kinh tế năng lượng và bảo vệ khí hậu, để có được sự hợp tác sâu sắc hơn nhằm đưa ra các quyết định chính sách phù hợp cho đất nước.

Thế giới đã rất ấn tượng về sự bùng nổ năng lượng tái của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, VIET đặt ra mục tiêu cố gắng tiến tới 100% năng lượng sản xuất từ nguồn tái tạo nội địa nhanh nhất có thể, đồng thời nỗ lực để chấm dứt việc nghèo năng lượng, bảo vệ an toàn nước và lương thực, có tính đến hoàn cảnh quốc gia.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra phiên tọa đàm về về tương lai của sự chuyển dịch ngành điện Việt Nam. Tại tọa đàm, nhóm chuyên gia nghiên cứu của VIET với sự hợp tác về chuyên môn và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế đã đề xuất 7 khuyến nghị chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng của ngành điện Việt Nam:

Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện là cơ hội thiết lập lộ trình phát triển hệ thống điện theo hướng phát thải carbon thấp; Tăng cường hiệu quả trong cung cấp và sử dụng năng lượng đem lại lợi ích tăng trưởng kinh tế; Chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời đã có thể cạnh tranh được với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch; Các chính sách phù hợp có thể giúp đạt được và thậm chí là vượt các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo; Tích hợp năng lượng gió và mặt trời vào hệ thống điện: là vấn đề trước mắt cần phải giải quyết đòi hỏi sự điều chỉnh nguồn phát và quản lý phía nhu cầu một cách linh hoạt; Cải cách thị trường điện là cần thiết để thu hút đầu tư phát triển và đa dạng hóa nguồn điện, các nhà đầu tư tư nhân ưa thích đầu tư cho các nguồn điện tái tạo hơn; Nhiệt điện khí sạch hơn nhưng không giải quyết triệt để được bài toán về an ninh năng lượng.

PV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/sang-kien-ve-chuyen-doi-nang-luong-viet-nam/20190919031112129