Sáng kiến liên kết ASEAN - 20 năm hình thành và phát triển

IAI là một sáng kiến, một chương trình, một khuôn khổ quan trọng và dài hạn của ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN và phần còn lại của thế giới.

Quang cảnh cuộc họp lần thứ 60 Nhóm Đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI TF). (Ảnh: TTXVN phát)

Quang cảnh cuộc họp lần thứ 60 Nhóm Đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI TF). (Ảnh: TTXVN phát)

Nhân dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan từ 9-15/11/2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch Nhóm đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN năm 2021, và kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) 2000-2020, Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN - đã có bài viết cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về Sáng kiến này.

IAI là một sáng kiến, một chương trình, một khuôn khổ quan trọng và dài hạn của ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN và phần còn lại của thế giới.

Do quan ngại về khoảng cách phát triển giữa nhóm 4 nước thành viên mới của ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) với 6 nước thành viên còn lại của ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Brunei (ASEAN-6), tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 4 tại Singapore tháng 11/2000, Lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí thông qua Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI).

Trong Tuyên bố Hà Nội tháng 7/2021 về “Thu hẹp Khoảng cách Phát triển để Liên kết ASEAN chặt chẽ hơn,” các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thành lập Nhóm đặc trách IAI, với thành viên là 10 Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực của 10 nước tại ASEAN, có trụ sở tại Jakarta, Indonesia.

Nhóm đặc trách IAI chịu trách nhiệm định hướng về chính sách và điều phối các Kế hoạch Công tác IAI và thường kỳ báo cáo lên Hội đồng Điều phối ASEAN (cấp Bộ trưởng).

IAI được triển khai thông qua các Kế hoạch Công tác IAI, với mục tiêu tập trung hỗ trợ các nước CLMV nhằm đạt các mục tiêu và cam kết chung của ASEAN, hướng tới hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV và các nước ASEAN-6.

Sau Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 1 (2002-2008) và Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 2 (2009-2015), Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 3 (2016-2020) được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tháng 9/2016 tại Vientiane, Lào.

Kế hoạch giai đoạn 3 có 26 dòng hành động chính, 6 dòng hành động hỗ trợ và 45 đầu ra trên 5 lĩnh vực chiến lược: Thực phẩm và nông nghiệp; Thuận lợi hóa thương mại; Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); Đào tạo; Y tế và Đời sống. Tính đến ngày 01/10/2020, tổng cộng có 127 dự án đã được triển khai trong 22/26 dòng hành động (84,6%), với tổng kinh phí khoảng 30.79 triệu USD.

Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 4 (2021-2025) được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11/2020 tại Hà Nội.

Kế hoạch này có tổng cộng 23 dòng hành động chính, 4 dòng hành động hỗ trợ và 31 đầu ra, được thiết kế để phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 4 sẽ giữ nguyên 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch giai đoạn 3 và cân nhắc thêm một số nội dung trong 3 lĩnh vực Cách mạng công nghiệp 4.0, Lồng ghép Giới và Xã hội (GESI) và Bền vững môi trường, do đây là 3 lĩnh vực được đánh giá là thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước CLMV trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Trong quá trình hình thành, phát triển IAI, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng ý tưởng và khuôn khổ IAI, cũng như tham gia soạn thảo và triển khai các Kế hoạch công tác IAI.

Nhiều dự án trong các lĩnh vực chiến lược đã được các Bộ ngành của ta đề xuất và triển khai thành công trong suốt 20 năm lịch sử của IAI, mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.

Các đại biểu tham dự cuộc họp lần thứ 60 Nhóm Đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI TF). (Ảnh: TTXVN phát)

Trong năm 2020, các dự án của Việt Nam đề xuất và triển khai tập trung vào các lĩnh vực Thực phẩm và nông nghiệp, Doanh nghiệp và Đào tạo.

Tuy nhiên, trong các Bộ ngành, doanh nghiệp, cá nhân ở nước ta, nhận thức đúng về vai trò và lợi ích IAI vẫn còn ở mức thấp.

Một số dự án triển khai đồng thời ở các nước CLMV bị chậm tiến độ do phối hợp giữa các đơn vị trong nước chưa thực sự tốt, cũng như do các đầu mối phụ trách bị phân tán nguồn lực triển khai do phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác.

Việt Nam có thể tích cực hơn, đề xuất nhiều dự án hơn, do các đối tác của ASEAN luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Vì vậy, để Việt Nam có thể tham gia IAI hiệu quả hơn nữa, ta cần đẩy mạnh tăng cường nhận thức về IAI và đẩy mạnh phối hợp giữa các Bộ, cơ quan chuyên ngành trong đề xuất cũng như triển khai các dự án của IAI.

Đứng trước thách thức của đại dịch COVID-19, Nhóm đặc trách IAI đã phát triển Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 4 (2021-2025) với một trong những trọng tâm là xử lý các tác động của đại dịch, sử dụng hợp lý các nguồn lực, triển khai các dự án hiệu quả, đúng tiến độ và hỗ trợ Khung phục hồi tổng thể của ASEAN. Các đề xuất dự án phải có mục tiêu rõ ràng và khả thi, để bảo đảm kết quả triển khai.

Từ năm 2018 đến năm 2019, Ban Thư ký ASEAN đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện Báo cáo về tình hình thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Báo cáo nhận xét giữa các nước CLMV và các nước ASEAN-6 vẫn còn khoảng cách phát triển khá lớn.

Tuy nhiên, trong 20 năm qua, cùng sự hỗ trợ của IAI, các nước CLMV đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Trong một số tiêu chí nhất định, một số nước CLMV thậm chí đã đuổi kịp hoặc vượt qua một số nước ASEAN-6.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Khi nào thì các nước CLMV đuổi kịp các nước ASEAN-6, và làm sao để đánh giá toàn diện và chính xác vấn đề này? CLMV sẽ tiếp tục là đối tượng thụ hưởng chính của IAI trong bao nhiêu năm nữa?

ASEAN hiện cũng đang tiến hành đánh giá về khả năng Timor Leste tham gia ASEAN. Trong tương lai, nếu Timor Leste được chấp nhận tham gia ASEAN, thì ASEAN sẽ có 11 nước thành viên, và nhóm các nước cần thu hẹp khoảng cách phát triển có thể sẽ không còn là 4 nước CLMV nữa. Như vậy sau Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 4 (2021-2025), điều gì sẽ chờ đợi IAI?

Trong tình hình khu vực nhiều biến động, các nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, có lẽ ASEAN cần thêm thời gian để đánh giá chính xác và toàn diện hơn về vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như tương lai của IAI.

Trước mắt, ASEAN cần tập trung hoàn thành tốt việc triển khai Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 4 (2021-2025). Đây là cơ hội để Việt Nam cũng như 3 nước CLM tiếp tục khai thác để có thể bứt phá, vươn lên sánh vai với các nước ASEAN-6 cũng như các nước trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/sang-kien-lien-ket-asean-20-nam-hinh-thanh-va-phat-trien/676173.vnp