Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc: Tầm nhìn 'châu Á của người châu Á' có thành hiện thực?

Sáng kiến An ninh toàn cầu cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thể hiện vai trò an ninh ngày càng tăng và xác định cách tiếp cận của nước này đối với trật tự quốc tế.

Sáng kiến An ninh toàn cầu nằm trong cách tiếp cận rộng hơn của Trung Quốc đối với ASEAN với tư cách là một tổ chức và Đông Nam Á với tư cách là một khu vực. (Nguồn: Reuters)

Sáng kiến An ninh toàn cầu nằm trong cách tiếp cận rộng hơn của Trung Quốc đối với ASEAN với tư cách là một tổ chức và Đông Nam Á với tư cách là một khu vực. (Nguồn: Reuters)

Cách tiếp cận rộng hơn

Tháng 7/2022, tại Jakarta, trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu giới thiệu Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI).

Trong đó, ông Vương Nghị nêu rõ Bắc Kinh sẽ làm việc với các nước ASEAN để thực hiện hợp tác GSI trong các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải chung, quản lý thiên tai và chống tội phạm xuyên quốc gia.

Điều này sẽ giúp xây dựng từ những “tiến bộ ổn định” trong quan hệ an ninh Trung Quốc-ASEAN, theo đó sự trao đổi quân sự và an ninh được củng cố, và hợp tác được nâng cao trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như khí hậu và mạng, cũng như trong việc quản lý “những bất đồng và tranh chấp" trên Biển Đông.

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đưa ra sáng kiến này tại Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào tháng 4, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã coi đây là giải pháp của Trung Quốc để ngăn chặn xung đột và thúc đẩy sự ổn định trong bối cảnh những thách thức đặt ra bởi đại dịch Covid-19, những tranh chấp địa chính trị ngày càng nghiêm trọng và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Bài giới thiệu GSI của Ngoại trưởng Vương Nghị là phát biểu công khai đầu tiên mà một quan chức Trung Quốc đưa ra để cho thấy GSI nằm trong cách tiếp cận rộng hơn của Trung Quốc đối với ASEAN với tư cách là một tổ chức và Đông Nam Á với tư cách là một khu vực.

Thể hiện vai trò an ninh

Các sáng kiến an ninh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng không phải là điều mới mẻ.

Trung Quốc bắt đầu đưa ra các sáng kiến như Khái niệm An ninh mới ngay từ những năm 1990, thâm nhập có chọn lọc tại từng quốc gia Đông Nam Á những năm 2000 và đầu những năm 2010.

Đồng thời, Bắc Kinh mở rộng nỗ lực xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác an ninh với các nước Đông Nam Á, thông qua mua bán vũ khí, đối thoại chính thức và tập trận chung với cả các đồng minh của Mỹ như Philippines và Thái Lan.

Nhìn từ góc độ này, GSI là biểu hiện mới nhất cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thể hiện vai trò an ninh ngày càng tăng và xác định cách tiếp cận của nước này đối với trật tự quốc tế.

Trung Quốc sử dụng GSI làm đối trọng với các cách tiếp cận của Mỹ và phương Tây dựa vào phe nhóm lợi ích và cạnh tranh “người thắng, kẻ thua”.

Động thái mới cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai sáng kiến này với từng quốc gia, trong đó Đông Nam Á là một trong những khu vực ưu tiên.

Ngay sau khi công bố GSI, các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên có các bài phát biểu và xã luận phổ biến GSI ở từng nước Đông Nam Á, cùng với Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2021.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng thúc đẩy GSI trong các tương tác cá nhân với các quan chức Đông Nam Á từ tháng 5. Ông Vương Nghị cũng nói với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn rằng Trung Quốc muốn hợp tác với ASEAN để thực hiện cả GSI và GDI dưới sự chủ trì của Campuchia.

"Mọi thứ vẫn còn mơ hồ"

Bài phát biểu hồi tháng 7 của ông Vương Nghị có ý nghĩa quan trọng khi cho thấy Trung Quốc đang công khai đưa sáng kiến này vào cách tiếp cận với các nước ASEAN trên cơ sở song phương, nhóm nhỏ và đa phương.

Tương tự, các cuộc thảo luận ban đầu về hợp tác hàng hải Trung Quốc-Philippines dưới thời tân Tổng thống Ferdinand Marcos (như việc xây dựng đường dây nóng bảo vệ bờ biển, thỏa thuận tìm kiếm và cứu nạn hàng hải và nâng cao năng lực quản trị hàng hải) cũng vẫn cần được giám sát dựa trên lộ trình Bắc Kinh thực hiện dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.

Chắc chắn việc GSI liệu có biến thành hành động thực tế hay không vẫn còn cần quan sát thêm. GSI hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu, mọi thứ vẫn còn mơ hồ.

Các quan chức ASEAN chỉ ra rằng, mặc dù Trung Quốc đã đề xuất một loạt khuôn khổ ấn tượng, làm cho các nước Đông Nam Á mê mẩn, nhưng chỉ một vài trong số đó đạt được thành công vượt xa những lời lẽ ủng hộ hoa mỹ của Bắc Kinh ban đầu.

Sự xác định rõ ràng của Trung Quốc về GSI như một Tầm nhìn “châu Á của người châu Á” đang gặp phải trở ngại do các nước Đông Nam Á ý thức được tồn tại khoảng cách lớn giữa lời nói và hành động thực tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này không vì thế mà làm giảm ý nghĩa của GSI hay nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy GSI ở Đông Nam Á, cũng như trong ASEAN.

(theo The Diplomat)

Mai Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sang-kien-an-ninh-toan-cau-cua-trung-quoc-tam-nhin-chau-a-cua-nguoi-chau-a-co-thanh-hien-thuc-196290.html