Sang chấn tâm lý - cuộc chiến của phi công từ xa

Máy bay không người lái (UAV) đã trở thành vũ khí quan trọng của Không quân Mỹ trong việc tìm và diệt các mục tiêu của kẻ thù từ xa. Thế nhưng, cũng chính UAV lại gây ra một cuộc khủng hoảng tâm lý cho chính những người điều khiển chúng.

Chuyện của Aaron

Mùa xuân năm 2006, Christopher Aaron tìm được một công việc mới: ngồi trước màn hình 12 giờ mỗi ngày. Anh bắt đầu nhiệm vụ của mình trong một căn phòng không có cửa sổ ở Trung tâm Phân tích chống khủng bố hàng không Langley ở bang Virginia, Mỹ.

Trên màn hình lấp lánh những hình ảnh tối mật được quay bởi UAV hoạt động trong các khu vực xảy ra xung đột xa xôi. Được trang bị máy ảnh độ phân giải cao và cảm biến hồng ngoại, những UAV này ghi lại một loạt chi tiết hình ảnh và truyền chúng trong thời gian thực tới Trung tâm Langley.

Chiếc UAV MQ-9 Reaper dài 20m tại căn cứ quân sự Creech. Ảnh: ParisMatch.

Những video mà Aaron phải theo dõi không phải lúc nào cũng thú vị. Có lúc, anh nhìn thấy một khu vực bị che khuất bởi những đám mây dày, một đàn dê chăn thả trên một ngọn đồi ở Afghanistan... Nhưng có khi, anh cũng gặp phải tình huống “dở khóc, dở cười” khi nhìn trên màn hình một người đàn ông đi vệ sinh trong bụi rậm, thậm chí camera theo dõi ghi lại hình ảnh phân người. Một video khác xuất hiện trên màn hình là một đám tang.

Trước đó, tại khu vực này, một vụ không kích nhằm vào trường học đã cướp đi sinh mạng của 15 học sinh. Khi nhìn cảnh tượng đó, Aaron tự nhủ, nếu quả tên lửa mà anh ra lệnh phóng đi nhắm trúng trường học trên thì đó là nỗi day dứt khôn nguôi.

Việc thu nhận hình ảnh đôi khi khiến người ta dễ nhầm lẫn giữa một người dân đang chống gậy với một kẻ nổi loạn mang vũ khí. Vậy làm thế nào để biết chắc người đó là ai? Theo Aaron, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm giác của mỗi nhà điều khiển.

Ngay khi mới nhận nhiệm vụ, Aaron thích thú với công việc của mình. Giờ giấc không là vấn đề đối với anh, song anh phải chịu áp lực lớn khi đưa ra các quyết định trong khi phát hiện, theo dõi và có khả năng tiêu diệt mục tiêu nằm cách xa hàng ngàn cây số.

Nỗi ám ảnh của phi công từ xa

UAV được quân đội Mỹ phát triển nhằm triển khai hoạt động ở các khu vực xảy ra xung đột như Afghanistan, Iraq. Dù mục đích phát triển cho các cuộc tấn công tiêu diệt được ưu tiên hàng đầu nhưng cho đến nay, phần lớn UAV trong quân đội Mỹ được sử dụng cho các nhiệm vụ giám sát, tình báo, trinh sát (ISR). Tuy nhiên, các UAV quân sự có khả năng bao quát rộng tới quy mô của cả thành phố, nếu phát triển khả năng ném bom sẽ gây ra thiệt hại lớn.

Trung tâm điều khiển UAV tại căn cứ không quân Holloman. Ảnh: military.com.

Việc vận hành UAV đòi hỏi lực lượng điều hành đông đảo. Hầu hết UAV trong Quân đội Mỹ đều cần nhiều hơn một người điều khiển. Mỗi chiếc được triển khai cần khoảng 19 chuyên gia phân tích giám sát, các chuyên gia điều khiển cảm biến và một nhóm bảo trì.

Trong hơn một thập kỷ qua, bên cạnh chiến trường Iraq, Afghanistan và Libya với số lượng các cuộc tấn công khó thống kê, còn có khoảng 300 cuộc tấn công bằng UAV bên ngoài 3 chiến trường trên.Trong số đó, 95% xảy ra ở Pakistan và còn lại ở Yemen và Somalia, giết chết hơn 2.000 lính du kích tình nghi và cả thường dân.

Giống như các đồng nghiệp của mình, Aaron dành hầu hết thời gian của mình cho các hoạt động trinh sát, đôi khi mất hàng tháng trời. Thế nhưng, từ việc quan sát đến mệnh lệnh chỉ mất 60 giây. Người điều khiển UAV hay còn gọi là “phi công từ xa” chỉ cần thực hiện các thao tác như phóng to hình ảnh, đặt điểm laser cố định và ném bom. Lần đầu tiên Aaron nhìn thấy một UAV Predator thực hiện hành động giết người. Anh cảm thấy điều đó vượt quá sức tưởng tượng của mình. Anh cảm thấy phấn khích khi đồng nghiệp đang cổ vũ to lớn xung quanh anh.

Tọa lạc tại căn cứ quân sự Wright-Patterson ở bang Ohio, Trường Y học Hàng không vũ trụ luôn chứng kiến những trạng thái cảm xúc thay đổi của 141 nhà phân tích và phi công từ xa. 3/4 trong số những người được hỏi cho biết, họ có nỗi buồn và cảm thấy tội lỗi đau lòng. Đối với nhiều người, những cảm xúc này tồn tại trong một tháng hoặc nhiều hơn.

Còn tại căn cứ không quân Creech ở Nevada, cách thành phố Las Vegas khoảng 40 phút về phía tây bắc, có khoảng 900 phi công từ xa đang làm việc tại đây. Nhiệm vụ của họ là điều khiển các chuyến bay UAV MQ-9 Reaper trong một số khu vực xung đột. Căn cứ không quân này tập trung các nhà sinh lý học, nhà tâm lý học và giáo sĩ và lập thành một nhóm gọi là “Nhóm hiệu suất con người”.

Các phi công từ xa của chương trình UAV vượt qua hàng rào bảo mật mỗi ngày. Vào cuối ngày, họ trở về nhà như những nhân viên văn phòng bình thường song trên thực tế, trong lòng họ đang có chiến tranh. Có lúc, người ta thấy các “phi công” này ở nhà thờ hoặc trước cổng trường để đón con.

“Một quá trình chuyển biến không ổn định”, Jeff Bright - một cựu phi công làm việc cho Creech trong 5 năm, nói. "Tôi vừa điều khiển UAV ném bom vào kẻ thù. Chỉ hai mươi phút sau, tôi nhận được một tin nhắn văn bản yêu cầu tôi mang đường sữa về cho con”, Jeff Bright nói.

Giống như nhiều người làm việc ở cơ sở trên, Jeff Bright yêu thích công việc của mình và cảm thấy hữu ích. Nhưng anh cũng cho biết, các đồng nghiệp đang phải vật lộn với sự căng thẳng, ly hôn và một số vụ tự tử. Nhiều người, trước khi trở về nhà, đã đến nhà thờ để sám hối. Tòa nhà màu be này có bàn chơi bóng bàn, vài ghế massage và một số phòng, nơi các phi công bay không người lái và các nhà điều khiển có thể nói chuyện với một mục sư.

Zachary, một trong những mục sư cho biết, các phi công từ xa này đã mắc hội chứng sau chấn thương: họ mâu thuẫn với chính mình, luôn dằn vặt tâm can. Một phi công từ xa từng hỏi Zachary rằng: “Chúa sẽ nói gì với tôi về tất cả những vụ giết người mà tôi đã phạm phải?”.

Bất chấp hoạt động ở chiến trường xa xôi, những nhà điều khiển UAV liên tục chứng khiến những hình ảnh đau thương mà đôi khi là hậu quả từ chính những quyết định của họ và được thực hiện chỉ trong một vài giây. Hoặc, ngược lại, họ không có khả năng hành động. Theo Zachary, điều này đã gây ra một dấu vết lâu dài mà theo cách gọi của một số nhà tâm lý học, đó là "sang chấn tâm lý". Các phi công từ xa luôn có cảm giác phản bội với những giá trị mà người ta gắn bó nhất. Đau lòng hơn, sự "phản bội" này đã diễn ra để tuân theo mệnh lệnh của cấp trên.

Khái niệm "sang chấn tâm lý" được phát triển trong bối cảnh chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Trong những xung đột hỗn loạn này, các phi công từ xa rất khó để phân biệt qua hình ảnh camera quân nổi dậy với dân thường. Việc ném bom nhầm vào đồng minh hay dân thường là điều khó tránh khỏi.

Nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng

Trở lại câu chuyện của Christopher Aaron. Ban đầu, Christopher Aaron đã giấu tâm trạng và những câu hỏi nghi vấn của mình với bạn bè. Nhưng bạn bè đều nhận thấy anh thay đổi. Chris Mooney -một người bạn học đại học của Aaron cho biết, anh luôn ghi nhớ trong đầu về một người bạn Aaron tràn đầy nhiệt huyết và tự tin, hơn hẳn những người khác. Thế nhưng, năm 2009, khi anh đến đón bạn ở căn cứ, anh hầu như không thể nhận ra Aaron. Khi những người bạn cũ đi ăn tối cùng nhau tại một nhà hàng, mặt Aaron như đang đeo mặt nạ vô cảm.

Một chiếc UAV của quân đội Mỹ. Ảnh: AP.

Những năm sau đó, Aaron ngày một suy sụp, anh chìm trong hỗn loạn giữa xấu hổ và buồn bã. Anh tránh gặp bạn bè của mình, không quan tâm đến bất kỳ cuộc sống tình cảm nào. Aaron tâm sự, có lúc ý tưởng tự sát luôn xuất hiện trong đầu, nhiều lúc anh không thể đối phó được với mức độ chấn thương nghiêm trọng của của mình.

Phải đến năm 2013, Aaron mới bắt đầu hồi phục. Năm đó, Christopher Aaron tham gia vào một khóa dành cho cựu binh do một cựu chiến binh Việt Nam mở tại Viện Omega ở Rhinebeck, New York. Mỗi ngày bắt đầu với một buổi thiền tập thể. Vào giờ ăn trưa, những người tham gia ngồi bên cạnh và ăn trong im lặng. Đây là một bài tập gọi là "giữ không gian". Sau đó, họ được nói và khóc công khai.

Bên ngoài, cơn mưa dường như phù hợp với những giọt nước mắt đàn ông. Lần đầu tiên rời khỏi văn phòng, Aaron hiểu rằng anh không còn phải che giấu cảm xúc của mình nữa. Và khi buổi tối đến, cuối cùng anh cũng có thể chìm vào giấc ngủ sâu, những cơn ác mộng đáng sợ dần biến mất. Điều này chưa từng xảy ra kể từ khi anh tham gia vào chương trình UAV.

Vài tháng sau, Aaron dần hồi phục tâm lý. Anh tìm được một công việc mới: Nhà phân tích kim loại quý và vàng. Anh cũng kết nối lại với bạn bè của mình, bao gồm cả Chris Mooney. Nỗi đau thể xác của anh đã biến mất, một phần nhờ vào yoga và ngồi thiền. Tuy nhiên, những cơn ác mộng thi thoảng vẫn xuất hiện trở lại nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của anh.

Giờ đây, Christopher Aaron thỉnh thoảng lại xuất hiện trên các diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm của mình vượt qua sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, khi Aaron bắt đầu nói chuyện công khai về trải nghiệm của mình, địa chỉ email và điện thoại di động của anh đã bị hack. Anh nhận được một loạt lời đe dọa vô danh, bị gọi là "rác rưởi" và bị yêu cầu “câm miệng”. Ngay cả bố của Aaron cũng nhận được những tin nhắn tương tự. Địa chỉ e-mail của ông cũng bị tấn công. Aaron rất buồn.

Tại một hội nghị do Giáo hội Mennonite tổ chức mới đây với chủ đề "Nhân chứng trung thành trong thời đại chiến tranh bất tận" ở Lansdale, bang Pennsylvania, cựu phi công từ xa, Aaron đã bắt đầu bằng việc dành một phút tưởng niệm cho “những người bị anh ra lệnh UAV tiêu diệt”. Anh bày tỏ mong muốn thế giới không có chiến tranh, để những người phi công từ xa như anh không phải chứng kiến những cảnh “bắn nhầm” đau lòng vào đồng minh hoặc dân thường.

Yên Bình

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/sang-chan-tam-ly-cuoc-chien-cua-phi-cong-tu-xa-510121/