Sáng buồn ngủ, chiều mắt không mở được ra, kiệt sức hay bệnh lười?

Nhiều người thường lấy lý do 'kiệt sức' để biện minh cho hành động lười nhác. Số khác lại cho rằng, nguyên nhân lớn nhất của căn bệnh lười là do không hứng thú với công việc.

7h sáng, Phương Thảo (26 tuổi, kế toán) chật vật với tay lên đầu giường để tắt tiếng báo thức - thứ âm thanh được cô xem là gây ám ảnh nhất trên đời - đang reo inh ỏi.

Chia sẻ với Zing.vn, cô cho biết hành động tắt đồng hồ là "chuyện thường ngày ở huyện". Dù chuông có reo, cô vẫn cố chợp mắt thêm chút nữa.

Sau vài đợt báo thức, Thảo cũng chịu rời giường, chuẩn bị đến văn phòng cho ngày thứ hai đầu tuần.

Hôm nay trời đẹp, đường phố lại vắng vẻ, phần vì đa số học sinh, sinh viên đang được nghỉ học để tránh dịch corona. Thời tiết đẹp là thế nhưng chính cô lại không cảm thấy "enjoy" với ngày làm việc đầu tuần.

Hỏi thăm bạn bè, cô cũng nhận được câu trả lời tương tự.

Không riêng gì Phương Thảo, nhiều người dù nhận thức được hành động ngủ nướng, không có sức sống khi đến công ty... là do căn bệnh lười, họ vẫn tự lừa mình bằng khái niệm "kiệt sức trong công việc". Số khác lại cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc lười biếng đến từ việc không hứng thú với công việc hiện tại.

 Nhiều người thường tự lừa mình khi cho rằng lười làm việc là do kiệt sức.

Nhiều người thường tự lừa mình khi cho rằng lười làm việc là do kiệt sức.

"Sáng buồn ngủ, đầu giờ chiều mở mắt không lên"

Lên đến văn phòng, Thảo mất thêm nhiều giờ đồng hồ để lấy lại sức. Cô nhớ lại buổi sáng hôm nay, khoảnh khắc chuông đồng hồ liên tục reo.

7h15, rồi 7h20. Những hồi chuông dồn dập. Thảo không biết hiệu quả được bao nhiêu, nhưng cảm giác lăn lộn, “nằm nướng” khiến cô thoải mái hơn đôi chút.

Lên đến văn phòng lúc 8h30, cô nhìn xung quanh ai cũng có cảm giác mệt mỏi và thiếu sức sống.

Đầu năm lượng công việc tuy không nhiều nhưng KPI đã được cấp trên áp xuống. Một tuần trở lại đây, khi được phổ biến kế hoạch mới, dù biết là nặng nề nhưng chính cô lại khó mà hòa nhập.

“Chưa kịp bắt nhịp lại công việc sau Tết lại thêm chuyện mọi người tất bật lo lắng dịch bệnh, bệnh lười của mình càng lúc càng nặng thêm", Thảo kể.

Bệnh lười phần lớn đến từ việc bạn không hứng thú với công việc.

Thảo cứ tưởng mình sẽ lấy lại mood làm việc sau giờ ăn trưa, nhưng không.

Đầu giờ chiều, nhìn vào đống số liệu thô chưa được xử lý, cô chỉ muốn đóng máy tính và đi tám chuyện với mấy bạn đồng nghiệp.

Thảo đã nghĩ đến viễn cảnh bị sếp mắng vì công việc chưa xong, lại còn ảnh hưởng đến đánh giá kết quả, KPI cuối tháng… Nhưng chính cô lại không thể cuỡng lại được sự buồn chán trong công việc.

Chuyện ngủ nướng cũng thế.

Bình thường những ngày trong tuần, Thảo chỉ muốn ngủ nướng càng lâu càng tốt. Nhưng đến ngày cuối tuần, cô bỗng dậy sớm lạ thường.

Thảo dự định ngủ nướng đến 9h, sau đó diện bộ quần áo đẹp dạo phố và tận hưởng ngày cuối tuần. Nhưng cô không hiểu sao mình lại dậy sớm vào ngày nghỉ và cảm giác mọi thứ không đúng như dự định.

Đến khi suy đi nghĩ lại, 9X chợt nhận ra một điều là không phải mình kiệt sức vì làm việc trong tuần mà thực ra là cô không mấy hứng thú với công việc hiện tại.

"Tôi đang tìm kiếm giải pháp để giải quyết tình trạng trên", Phương Thảo nói với Zing.vn.

"Kiệt sức dễ khiến người khác trở nên lười biếng"

Không hẳn là bệnh lười, việc trì trệ công việc vào buổi sáng hay đầu giờ chiều được các chuyên gia cho là "điều hiển nhiên".

Để lý giải điều này, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ trên 160 người đàn ông. Họ được yêu cầu giải quyết công việc vào lúc 10h, 14h và 19h. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng phương pháp cộng hưởng từ (MRI) để phân tích chức năng làm việc của não bộ.

Qua phân tích số liệu từ hình ảnh, các nhà nghiên cứu nhận ra khu vực não đóng vai trò xử lý công việc được kích hoạt nhiều nhất là vào giữa trưa và cuối ngày.

“Vì vậy, việc một cá nhân chán nản với công việc vào đầu buổi sáng hoặc 'kiệt sức tạm thời' vào đầu giờ chiều là điều hoàn toàn dễ hiểu", đại diện nhóm nghiên cứu nói trên Business Insider.

Một nghiên cứu của Gallup thực hiện dựa trên 1000 người tự cảm thấy mình đang bị "kiệt sức, lười làm việc" cho thấy có hơn 40% ở trong tình trạng "cú đêm", ngủ không đủ giấc.

Việc suy nghĩ nhiều, trông chờ bản thân phải thật hoàn hảo khiến chúng ta trở nên kiệt sức.

Ngoài ra, khái niệm “nhịp sinh học" cũng được các nhà nghiên cứu đề cập. Theo đó, hiệu suất làm việc trong ngày được định nghĩa như một "dòng chảy".

Lúc đầu, dòng chảy bị yếu, đến khi gặp một biến cố ở giữa, dòng chảy bị chững lại. Điều đó cũng lý giải vì sao đầu giờ chiều là thời gian nhiều người khó mà tập trung giải quyết công việc.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại cho rằng nhiều người đang vướng vào căn bệnh “lười làm việc" và lấy lý do kiệt sức để thoái thác công việc. Và theo những nghiên cứu hiện đại, bệnh lười phần lớn xuất phát từ vấn đề sức khỏe, tâm lý.

Tiến sĩ tâm lý Timothy J. Legg đã đưa ra lời khuyên trên Healthline giúp người lao động, nhân viên văn phòng giải quyết tình trạng trên.

Thứ nhất, chúng ta nên tránh tham việc dẫn đến kiệt sức. Các chẩn đoán lâm sàng cho thấy sự kiệt sức dẫn đến việc mất hứng thú, động lực tiếp tục công việc. Những mục tiêu đã đề ra cũng nhanh chóng bị phá vỡ.

Thứ hai, đừng mong đợi bản thân phải trở nên thật hoàn hảo. Theo ông Timothy, sự cầu toàn đang gia tăng và nó đang gây tổn hại về mặt tâm lý cho nhiều người và khiến họ trở nên lo lắng, nặng hơn là trầm cảm.

Thứ ba, vấn đề giải quyết bệnh lười nên được thực hiện bằng cách thay đổi các thói quen ăn uống, luyện tập thể dục và tìm cách tạo động lực làm việc.

“Tốt nhất nên biết mình muốn gì"

Hải Hà (25 tuổi, designer) cho biết mình từng thất vọng về bản thân vì làm việc gì cũng không ra hồn.

Trước khi bén duyên với nghề designer, anh là nhân viên kế toán. Ngày ngày xử lý số liệu, làm việc với đống giấy tờ khô khan, Hà cảm thấy mình thật tẻ nhạt. Do không hứng thú với công việc, anh cũng không chú tâm vào để giải quyết.

Dần dần, 9X chỉ cảm thấy mỗi ngày đi làm là một cực hình. Anh cũng thấy mình “lười biếng, chẳng ra làm sao” vì bỏ bê công việc dù nó cũng không có gì nặng nhọc lắm.

Cho đến một ngày, Hà quyết định nhảy việc. Và công việc designer hiện tại giúp anh cảm thấy mỗi ngày đều là một ngày mới.

Biết mình thích gì, yêu công việc đang làm là bí quyết giúp chúng ta chống lại bệnh lười.

Công việc mới đòi hỏi sự sáng tạo, môi trường đa dạng và giúp anh được tiếp xúc với nhiều người. Điều quan trọng hơn, mỗi ngày anh đều thấy mình tràn trề năng lượng, đôi lúc chuẩn bị chợp mắt anh phải bật vội máy tính lên vì nảy sinh ý tưởng mới.

“Tôi cũng không còn vật vã đấu tranh phải thức dậy sớm để xử lý đống hồ sơ còn tồn đọng. Hiện tại, niềm vui mỗi ngày của tôi là được làm điều mình thích. Vì vậy, việc lười hay không là do chính bạn lựa chọn. Tốt nhất là bạn phải biết mình muốn gì, yêu thích việc gì và làm nó tốt lên như thế nào", Hải Hà khẳng định.

Hoài Vỹ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sang-buon-ngu-chieu-mat-khong-mo-duoc-ra-kiet-suc-hay-benh-luoi-post1044997.html