Sáng 28/7, Hà Nội lại ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Sáng 28/7, chất lượng không khí tại Hà Nội lại ô nhiễm nghiêm trọng, hầu hết các điểm đo được ở Hà Nội lên đến ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu – có hại cho sức khỏe tất cả mọi người) và ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu – có hại cho tất cả mọi người).

Nhiều điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím. Ảnh chụp màn hình.

Nhiều điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím. Ảnh chụp màn hình.

Sau những ngày chất lượng không khí tương đối, thì từ đến 6 giờ 30 ngày 28/7, hơn 80 điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím.

Tại quận Ba Đình, các điểm đo lên ngưỡng tím như Trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình), Trường mầm non thực hành Hoa Sen, điểm đo tại Đội Cấn, Kim Mã. Tại quận Hoàn Kiếm, một số điểm đo lên ngưỡng tím như tại Hàng Thiếc, Nguyễn Chế Nghĩa, Bà Triệu...

Cùng với đó, các hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Thủ đô.

Trong khi đó, ghi nhận các điểm đo tại khu vực miền Trung, TP Hồ Chí Minh thì chất lượng không khí tốt hơn, đều ở ngưỡng xanh và vàng - mức chất lượng tốt và trung bình.

Theo nhận định của các chuyên gia, điều kiện thời tiết không thuận lợi làm bụi không khuếch tán được mà đọng lại sát mặt đất khiến ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá do nhiều nguyên nhân, gồm: Giao thông, xây dựng, sản xuất và các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các chất ô nhiễm khuếch tán lên cao giúp chất lượng không khí được cải thiện. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, các chất ô nhiễm sẽ đọng lại và gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra.

Ghi nhận theo hệ thống đo tại Đại sứ quán Mỹ. Ảnh chụp màn hình.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu) trở lên, người dân nên hạn chế ra đường phố, đi tập thể dục, lao động ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường.

Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Người có bệnh hô hấp, người già, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.

Các mức chất lượng không khí AQI tương ứng ảnh hưởng tới sức khỏe theo quy định về hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

0 - 50 (Tốt): Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe

51 - 100 (Trung bình): Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch...) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.

101 - 150 (Kém): Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

51 - 200 (Xấu): Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

201 - 300 (Rất xấu): Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

301 - 500 (Nguy hại): Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: Toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe tới mức nghiêm trọng.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/sang-287-ha-noi-lai-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-20200728080224659.htm