Sandbox cho Fintech: Mới ở giai đoạn đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định

Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, quý I/2021, NHNN đã Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Các doanh nghiệp cho rằng, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho fintech vẫn còn khá chậm

Hành lang pháp lý thử nghiệm (Sandbox) cho Fintech đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, trong quý 1/2021, NHNN đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của báo Đầu tư, ông Dũng cho biết, sau khi Chính phủ có kết luận, NHNN sẽ xây dựng Nghị định, dự kiến ban hành cuối năm 2021.

Hiện công nghệ phát triển với tốc độ tên lửa đã làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới chưa từng có tiền lệ, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh (ví dụ mô hình P2P lending, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng…). Tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều hoạt động cầm chừng giữa hai lằn ranh sáng tối. Khoảng trống pháp lý này đang gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, cho người dùng và cả doanh nghiệp.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng cho biết thêm, NHNN đang hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Quý I/2021, NHNN đã hoàn thành trình Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Trong tuần này, NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cũng đã ký kết Quy chế phối hợp đối với việc thực hiện thí điểm Mobile Money.

Ngoài ra, NHNN cũng đang tập trung hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự thảo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.

Theo số liệu thống kê của NHNN, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng rất mạnh 3 tháng đầu năm nay. Đến cuối tháng 03 năm 2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

Toàn thị trường hiện có 272.263 POS và 19.714 ATM (tăng tương ứng 6,06% và 0,85% so với cùng kỳ năm 2020). Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR code tăng mạnh.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm nay, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị so với cùng kỳ. Giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị so với cùng kỳ. Giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị so với cùng kỳ).

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính hoạt động ổn định, an toàn. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 37 triệu món với giá trị là hơn 31 triệu tỷ đồng (tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với 3 tháng đầu năm năm 2020).

NHNN cho biết thời gian tới, NHNN sẽ tập trung vào một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ nhất, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và các Thông tư hướng dẫn triển khai. Đồng thời, sẽ nghiên cứu, dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án.

Thứ ba, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm Mobile money.

Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Thứ năm, hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Thứ sáu, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sandbox-cho-fintech-moi-o-giai-doan-de-nghi-chinh-phu-xay-dung-nghi-dinh-d141561.html