Sản xuất vụ đông: Chuyển từ 'lượng' sang 'chất'
Những năm trước, ngành nông nghiệp có kế hoạch sản xuất vụ đông đều trên 10.000 ha, nhưng năm nay, con số này chỉ còn 4.000 ha. Tuy giảm về diện tích, nhưng vụ đông 2021 - 2022, ngành nông nghiệp định hướng tập trung sản xuất các cây trồng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thông qua chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất.
Như thông lệ, cứ sau khi kết thúc thu hoạch lúa mùa, người dân các địa phương trong tỉnh lại khẩn trương làm đất, lên luống để sản xuất vụ đông. Bên cạnh những cây lương thực, vụ đông dần trở thành vụ sản xuất chính giúp bà con tăng thu nhập trên 1 ha đất canh tác. Trên các chân ruộng 1 vụ vùng cao và ruộng 2 vụ vùng thấp, tùy theo đặc thù thời tiết, người dân lựa chọn các cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định và giá trị kinh tế cao như ngô ngọt, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại và hoa. Trung tuần tháng 11, người dân các địa phương đã làm đất và trồng xong hơn 4.000 ha cây vụ đông.
Tại thôn Mom Đào, xã Thái Niên (Bảo Thắng), giữa tháng 11, diện tích dưa leo được trồng vào trà sớm vụ đông đã cho thu hoạch. Vụ đông năm nay, người dân Mom Đào cùng một số thôn lân cận tiếp tục liên kết với doanh nghiệp trồng gần 6 ha dưa. Dưa sau thu hoạch được đóng thành từng túi, tập kết tại một địa điểm, sau đó được xe thu mua, vận chuyển về xuôi. Chị Phạm Thị Hương, thôn Mom Đào cho biết: Sau vụ trồng lúa, người dân chúng tôi đã quen với việc trồng rau, màu vào vụ đông. Chúng tôi thường trồng rau, khoai, đậu và hoa phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Những năm gần đây, một số hộ liên kết với doanh nghiệp trồng dưa. Có liên kết sản xuất, chúng tôi yên tâm hơn vì không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tương tự, tại xã Gia Phú (Bảo Thắng), người dân một số thôn khu vực ven sông Hồng như Soi Cờ, Soi Giá, Bến Phà, Xuân Tư… cũng tận dụng điều kiện thuận lợi, liên kết với doanh nghiệp trồng 4 ha dưa leo. Dưa được trồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, người dân tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Hằng ngày, những quả dưa có kích thước, trọng lượng đồng đều được thu hoạch, phục vụ thị trường các tỉnh miền xuôi. Đây là năm thứ 2 người dân Gia Phú liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Mô hình liên kết được triển khai từ vụ đông năm 2020 - 2021, phát huy hiệu quả rõ rệt nên tiếp tục được duy trì và định hướng nhân rộng trong những năm tới và cả những vụ sản xuất khác trong năm.
Không chỉ Bảo Thắng, tại các địa phương khác, những mối liên kết sản xuất rau, củ mang lại hiệu quả từ những vụ đông trước tiếp tục được triển khai trong vụ đông năm nay. Người dân đã hình thành thói quen tuân thủ hợp tác, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, tại những địa phương vùng cao như Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương có lợi thế trồng rau trái vụ và vụ đông sớm, những mối liên kết này cũng phát huy hiệu quả rõ rệt.
Ngay sau khi kế hoạch sản xuất vụ đông được ban hành, ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương căn cứ thực tế, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, thị trường, chủ động trong sản xuất. Mỗi địa phương lựa chọn và chỉ đạo thực hiện thành công ít nhất 1 mô hình sản xuất, như cây trồng mới, sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đổi mới phương thức sản xuất hoặc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mô hình thuê đất, thuê nhân công lao động… nhằm đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 4.000 ha cây vụ đông, ưu tiên các loại cây trồng có liên kết sản xuất, có thị trường tiêu thụ ổn định, phấn đấu đạt 93 triệu đồng/ha. Bên cạnh diện tích sản xuất theo kế hoạch, người dân duy trì sản xuất an sinh (phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp thu mua tại các tỉnh khác gặp khó khăn, nhưng các mối liên kết nội tỉnh vẫn được duy trì. Vụ đông này, kế hoạch sản xuất giao là không lớn về số lượng (diện tích) mà đòi hỏi đảm bảo chất lượng (hiệu quả sản xuất).
“Trong vụ đông này, các địa phương cần nắm tình hình thời tiết và nhu cầu của thị trường (trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp), khuyến cáo quy mô sản xuất từng loại cây trồng, bố trí hợp lý cơ cấu nhóm cây ưa ấm, ưa lạnh và nhóm trung tính. Mở rộng sản xuất cây có củ, quả thuận tiện trong việc vận chuyển và bảo quản lâu dài như khoai tây, khoai lang, cà chua, su hào, củ cải… Bố trí trồng luân canh, xen canh, rải vụ các loại rau ăn lá, tăng cường đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất, đảm bảo nguồn cung, hạn chế dư thừa trong thời gian chính vụ”, bà Nguyễn Thị Hà khuyến cáo.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349697-san-xuat-vu-dong-chuyen-tu-luong-sang-chat