Sản xuất và sử dụng gạch không nung - Quy trình dưỡng hộ cần được tuân thủ

Công tác dưỡng hộ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng sản phẩm gạch không nung (GKN) thậm chí quyết định chất lượng các công trình xây dựng.

Do vậy, việc tuân thủ đúng quy trình dưỡng hộ trong quá trình sản xuất và sử dụng GKN là rất cần thiết. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TSKH Bạch Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, Trường Đại học Xây dựng về vấn đề trên.

 Sản xuất gạch không nung tại Cty CP Vật liệu xây dựng Toàn cầu.

Sản xuất gạch không nung tại Cty CP Vật liệu xây dựng Toàn cầu.

PV: Công tác dưỡng hộ GKN trong quá trình sản xuất và sử dụng ảnh hưởng như thế nào đối với kết cấu xây dựng thưa ông?

PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên: Mục đích của việc dưỡng hộ / bảo dưỡng là tạo nên các điều kiện thuận lợi để bê tông đóng rắn, bảo đảm độ ẩm yêu cầu của môi trường. Để làm được như vậy, một số phương pháp thường được áp dụng như: phủ màng polime, lấp cát, thường xuyên làm ẩm chúng, sử dụng vải bông từ vật liệu tổng hợp, bố trí các bể nước dùng để ngâm,… Khi bê tông bị khô nhanh ở tuổi sớm xuất hiện biến dạng co đáng kể, xuất hiện các vết nứt vi mô. Kết quả là làm xấu cấu trúc của bê tông, giảm chất lượng của chúng. Sửa chữa cấu trúc bằng cách tạo ra các điều kiện thuận lợi mà sau này không thể làm được, vì vậy bảo dưỡng đúng bê tông ở tuổi sớm là điều kiện cần thiết để đạt được bê tông có chất lượng tốt, nhất là GKN thuộc sản phẩm có mô đun bề mặt lớn.

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, mùa lạnh ở miền Bắc và miền Trung, mùa khô ở miền Nam trong bảy ngày đầu tiên GKN mất nước nhiều (tính trung bình đến 88,6% lượng ẩm mất đi so với lượng ẩm mất đi ở 28 ngày). Còn mùa nóng ở miền Bắc và miền Trung, mùa mưa ở miền Nam sự mất nước cao hơn không nhiều hơn so với mùa lạnh ở miền Bắc và mùa khô ở miền Nam (tính trung bình đến 89% lượng ẩm mất đi so với lượng ẩm mất đi ở 28 ngày). Điều này rất nguy hiểm vì sự mất nước này vẫn tiềm ẩn GKN có cấu trúc nhiều lỗ rỗng mao quản nối với nhau, do vậy nhất thiết phải bảo dưỡng thường xuyên GKN ở tuổi sớm đến 7 ngày. Sau đó cần tưới nước nhưng với tần suất ít hơn, chủ yếu giữ ẩm.

Như vậy, nếu xét về độ ổn định thể tích của GKN ở điều kiện bảo dưỡng như hiện nay thời gian có thể nhận là hai tháng (85-86% độ co so với độ co ở bốn tháng tuổi). Nếu xét về độ ổn định thể tích của GKN ở điều kiện bảo dưỡng như hiện nay thời gian có thể nhận là hai tháng (95-96% độ co so với độ co ở 6 tháng tuổi).

Đối với GKN của các Công ty ở miền Nam, về mùa khô độ co ở tuổi 28 ngày khoảng 0,79 mm/m (bằng khoảng 65% độ co ở tuổi hai tháng), ở hai tháng (56 ngày) khoảng 1,15 mm/m. Từ tuổi hai tháng trở đi GKN vẫn còn co nhưng không đáng kể (ở tuổi sáu tháng co thêm khoảng 0,15 mm/m, gần bằng 11% tổng độ co ở sáu tháng – co ở 5 tháng 1,35 mm/m). Về mùa mưa, các tác động thời tiết ở miền Nam ảnh hưởng không lớn bằng về mùa khô.

PV: Tại sao cần phải nghiên cứu quy trình dưỡng hộ? Sự khác biệt công nghệ dưỡng hộ tại Việt Nam có khác biệt so với các nước khác?

PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên: Việt Nam nằm trong vùng nội chí tuyến Bắc bán cầu, có khí hậu thuộc loại hình nhiệt đới gió mùa, với những đặc tính cơ bản là nóng ẩm và phân hóa theo mùa rõ rệt. Do đặc điểm đất nước nằm dài từ Bắc đến Nam nên khí hậu cũng thay đổi theo từng vùng: Các tỉnh phía Bắc thuộc loại hình nhiệt đới gió mùa, có mùa hè nóng và mùa đông lạnh, có 4 phân vùng khí hậu xây dựng: B1, B2, B3 và B4. Các tỉnh phía Nam mang đặc tính khí hậu gió mùa điển hình có đặc trưng cơ bản là nền nhiệt độ cao, ít thay đổi trong năm và chế độ mưa ẩm phân hóa rõ rệt theo mùa, được phân thành 3 phân vùng khí hậu xây dựng: N1, N2 và N3.

Các yếu tố khí hậu gồm độ ẩm, nhiệt độ không khí, tốc độ gió, bức xạ mặt trời, lượng mưa ở mỗi vùng và mỗi mùa cũng rất khác nhau do vậy việc dưỡng hộ phụ thuộc vào thiết bị công nghệ độ ẩm tạo hình của phối liệu để sản xuất GKN rất khác nhau. Với dây chuyền thiết bị do các đơn vị cơ khí trong nước chế tạo, độ ẩm của hỗn hợp bê tông sử dụng cho sản xuất GKN thường nằm trong khoảng 9-10% còn các dây chuyền nhập ngoại từ các nước G7 độ ẩm của hỗn hợp bê tông sử dụng là 7-9%.

PV: Ý nghĩa và hiệu quả KH&CN, kinh tế, môi trường của các quy trình dưỡng hộ mang lại thưa ông?

PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên: Trong điều kiện ngoài trời khí hậu nóng ẩm xảy ra trường hợp mất nước với mức độ lớn của mẫu bê tông nên ứng suất cấu trúc của bê tông xuất hiện với giá trị rất lớn dẫn tới hiện tượng mất sự toàn khối trong bê tông làm cho cường độ của chúng giảm cùng với sự thay đổi các tính chất cơ học. Ở các ngày tuổi đóng rắn muộn hơn do ảnh hưởng của tác động nhiệt độ lặp đi lặp lại theo chu kỳ nên ứng suất nhiệt sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của bê tông dẫn tới việc làm giảm cường độ của bê tông.

Vì vậy để đảm bảo chất lượng GKN trong điều kiện khí hậu nóng ẩm trong quá trình sản xuất, cần áp dụng chế độ bảo dưỡng ẩm, dưỡng hộ ẩm hợp lý. Có hai giai đoạn bảo dưỡng GKN trong quá trình sản xuất: Sản phẩm đã tạo hình được chứa trên các palet ; Chế độ bảo dưỡng khi gạch đã đóng gói thành kiện cần được duy trì để đảm bảo đủ lượng ẩm cần thiết cho việc thủy hóa tiếp tục của các khoáng clanhke xi măng.

Việc thực hiện tốt quy trình bảo dưỡng và dưỡng hộ GKN vừa đảm bảo chất lượng GKN, tăng tuổi thọ cho các khối xây và cuối cùng sẽ giảm chi phí đầu tư công trình do kéo dài thời gian duy tu bảo dưỡng công trình.

PV: Vậy việc ứng dụng công tác dưỡng hộ cho các nhà máy sản xuất tại 3 miền hiện nay? (có sự khác biệt cơ bản nào giữa 3 miền)

PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên: Quá trình bảo dưỡng ẩm tự nhiên được phân thành 2 giai đoạn: bảo dưỡng ban đầu khi GKN vừa tạo hình còn nằm trên các giá xếp và bảo dưỡng khi GKN đã được xếp thành kiện, hai giai đoạn này liên tục kế tiếp nhau không có bước gián đoạn.

Ở giai đoạn đầu tiên, cần có biện pháp đảm bảo cho GKN bị bốc hơi nước dưới tác động của các yếu tố khí hậu bên ngoài, đồng thời không để lực cơ học tác động lên bề mặt gạch bê tông.

Sự khác biệt khí hậu giữa ba miền của Việt Nam dẫn đến sự bay hơi nước của GKN khác nhau. Tuy nhiên, cần phải bảo dưỡng GKN ít nhất trong 7 ngày đầu giữ trong môi trường ẩm để tránh mất nước, sau đó cần tiếp tục phun nước chống mất ẩm.

Gạch không nung trong quá trình dưỡng hộ.

PV: Vậy vai trò của GKN trong kết cấu vật liệu xây dựng hiện tại thưa ông?

PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên: Trong xây dựng, VLXD có vai trò vị trí quan trọng như lương thực trong đời sống xã hội. VLXD là nguyên liệu không thể thiếu và thường chiếm trên dưới 60% giá trị trong xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong các chủng loại VLXD thì vật liệu xây cần một khối lượng nhiều nhất, từ chúng sẽ hình thành nên kết cấu bao che của tòa nhà, công trình, ngăn cách giữa các không gian trong công trình với mục đích sử dụng khác nhau.

Vật liệu và cấu kiện xây không nung về bản chất vật liệu thuộc vật liệu bê tông, là vật liệu không thể thiếu được trong xây dựng hiện đại. Hiện nay, hằng năm trên thế giới sử dụng khoảng 2 tỷ m3 bê tông các loại, bê tông là một trong những loại vật liệu xây dựng sử dụng với khối lượng lớn nhất, quyết định phần nào mức độ phát triển nền văn minh nhân loại.

GKN tại thị trường Việt nam hiện nay phổ biến nhất là gạch block xi măng cốt liệu - gạch bê tông, kế tiếp là viên xây bê tông khí chưng áp, panel acotec và panel AAC, gạch xi măng đất ép, đá ong, tấm tường thạch cao,... Theo số liệu thống kê mà Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa công bố cho thấy trong năm 2018, cả nước đã sản xuất 07 tỷ viên GKN. Năm 2020 dự kiến sẽ sản xuất 12,5 tỷ viên GKN quy tiêu chuẩn (QTC).

Ở các nước phát triển, GKN chiếm khoảng 60% tổng vật liệu xây dựng, trong khi gạch đất sét nung (gạch đỏ) chỉ chiếm khoảng 10 - 15 %. Ở Việt Nam, nhu cầu về vật liệu xây rất cao do nước ta đang trong giai đoạn phát triển. Dự báo nhu cầu năm 2020 khoảng 42 tỷ viên gạch nhưng hiện tại sản xuất VLXKN chiếm khoảng 30% tổng vật liệu xây. Do vậy, để GKN ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các công trình xây dựng, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để GKN được đón nhận nhiều hơn cùng kết hợp với các dây chuyền hiện đại, sản xuất với năng suất cao, công tác dưỡng hộ đúng quy trình và giá thành hạ sẽ tạo chỗ đứng vững chắc hơn nữa cho GKN trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Triệu Vân

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/san-xuat-va-su-dung-gach-khong-nung---quy-trinh-duong-ho-can-duoc-tuan-thu-d167256.html