Sản xuất túi nilon từ vảy và da cá

Lucy Hughes, sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Anh đã phát minh loại bao bì bằng nguyên liệu từ vảy và da cá, có đặc tính phân hủy nhanh và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Sản phẩm có tên MarinaTex, là loại bao bì thân thiện với môi trường làm từ da và vảy cá

Sản phẩm có tên MarinaTex, là loại bao bì thân thiện với môi trường làm từ da và vảy cá

Đi tìm lời giải cho vật liệu vạn năng

Lucy Hughes, 23 tuổi, đến từ thị trấn Twickenham, phía Tây Nam Thủ đô London (Anh), sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Sussex (Anh), chuyên ngành thiết kế sản phẩm đã ấp ủ ý tưởng phát minh một loại túi nilon thế hệ mới thay thế các loại sản phẩm bao bì túi nilon làm từ nhựa, ngay từ khi cô bắt đầu theo học ngôi trường này. Lucy Hughes nảy sinh sáng kiến hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và các phụ phẩm trong quá trình xử lý cá, để tạo ra nguyên liệu bao bì mới thân thiện với môi trường, thay thế nguyên liệu nhựa truyền thống.

Giải pháp mà Lucy Hughes đưa ra là loại vật liệu có tên MarinaTex, có thời gian phân hủy ngắn. Trung bình, vật liệu này có thể phân hủy trong môi trường đất với thời gian khoảng từ 4 đến 6 tuần. Đặc biệt, vật liệu này có thể bỏ chung cùng các loại rác thực phẩm trong gia đình sau khi đã sử dụng. Để có được nguyên liệu này, Lucy đã sử dụng tảo đỏ để liên kết với các protein chiết xuất từ da và vảy cá. Nguyên liệu này của Lucy sẽ cho ra các sản phẩm tương tự như bao bì, túi nilon thông thường, cũng có đặc tính co giãn và trong suốt.

Với kết quả thu được sau hàng loạt các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm của mình, Lucy khẳng định sản phẩm của mình bề ngoài khá giống nhựa, nhưng dai hơn và chắc hơn các loại túi nhựa thông thường, đồng thời lại rất an toàn đối với môi trường sống. “Nhựa - một vật liệu vạn năng, vì thế chúng ta trở nên quá phụ thuộc vào chúng. Với tôi, việc sử dụng nhựa để đựng những sản phẩm có thời gian bảo quản chưa đến một ngày, điều đó thật vô nghĩa”, Lucy Hughes nhấn mạnh.

Mang về giải thưởng danh giá

“Với tôi, MarinaTex chính là đại diện cho sự cam kết về một loại vật liệu cải tiến, bền vững, mang giá trị rất cao. Là những người đam mê sáng tạo, chúng ta không nên giới hạn bản thân vào những thiết kế chỉ chú trọng kiểu dáng và chức năng của nó, mà cần phải làm sao để sản phẩm của mình cũng mang đậm dấu ấn cá nhân nữa”, Lucy cho biết.

Thông tin từ Cơ quan Quản lý ngành Công nghiệp chế biến cá biển của Anh cho biết, trung bình mỗi năm tại Anh, quá trình xử lý cá thải ra tới 500.000 tấn phụ phẩm, trong đó có vảy cá. MarinaTex là giải pháp để góp phần hạn chế tình trạng này, vì Lucy cho biết, lượng vảy và da cá của một con cá tuyết Đại Tây Dương cũng đã đủ để làm tới 1.400 chiếc bao bì MarinaTex.

Lucy Hughes đã trở thành người chiến thắng của Giải James Dyson tại Anh năm 2019, với số tiền thưởng là 2.000 bảng Anh. Đây là giải thưởng sáng tạo thường niên dành cho các sinh viên có những phát minh hữu ích, gần gũi với cuộc sống và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ đàn em tiếp bước theo sau. Đồng thời, sáng kiến của Lucy tiếp tục lọt vào chung kết hạng mục quốc tế, với đại diện sinh viên của hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Người thắng cuộc sẽ giành được giải thưởng lên đến 3.000 bảng Anh và thêm 5.000 bảng dành cho khóa học tại trường mà ứng viên theo học.

Sáng kiến của Lucy Hughes được giới chuyên gia đánh giá rất cao mang lại nhiều lợi ích cho đời sống như không cần thiết lập hệ thống hạ tầng thu gom chất thải từ vẩy và da cá quy mô lớn và riêng biệt; không tốn nhiều công sức cũng như năng lượng để sản xuất; và thứ ba là nó đơn giản chỉ là chất thải nên sẽ không bao giờ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trái đất.

“Tôi không muốn thử nghiệm sản phẩm của mình bằng nguyên liệu từ thiên nhiên nên đã thử thách chính mình bằng chất thải từ ngành công nghiệp chế biến cá biển. Đối với tôi, một sáng kiến hay là phải hạn chế được hành vi không tốt của con người với thiên nhiên”, Lucy cho biết. Và “MarinaTex đã cho thấy một điều là chúng ta không cần phải hy sinh chất lượng để đổi lấy các lựa chọn bền vững”, nhà phát minh nhấn mạnh thêm.

Loại ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra là thảm họa do chính con người tự gây nên cho chính bản thân mình, cho đồng loại và giờ đây đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. “Ô nhiễm trắng” với túi nilon và rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Theo các chuyên gia, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy.

Trần Biên (Theo Dezeen/Guardian)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/san-xuat-tui-nilon-tu-vay-va-da-ca/828735.antd