Sản xuất toàn cầu giảm tốc – nỗi lo suy thoái gia tăng

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao và nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu nâng lãi suất, nhu cầu đối với một loạt hàng hóa đang suy yếu dần. Tình trạng này đang làm hoạt động sản xuất của các nhà máy chậm lại và đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu.

Động lực chi tiêu dần xói mòn tại Mỹ và châu Âu

Nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp thế giới đang dần “xì hơi” trong bối cảnh giá cả liên tục leo thang và đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng tìm cách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào rủi ro suy thoái. “Nếu Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm, nỗ lực tái cân bằng cán cân cung cầu sẽ giúp giảm áp lực giá cả”, Kurt Rankin, chuyên gia kinh tế cấp cao tại PNC Financial Services Group nhận định.

Tuy nhiên, nỗ lực đi thăng bằng trên dây của Fed là không hề dễ dàng, bởi theo ông Rankin, nếu nhu cầu giảm quá nhiều, các doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm sản xuất và sa thải người lao động. Nền kinh tế khi đó sẽ lại bị đẩy vào nguy cơ suy thoái.

Trên thực tế, kết quả khảo sát mới nhất của Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đã giảm từ mức 56,1 điểm trong tháng 5 xuống 53 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 6-2020. Số lượng đơn đặt hàng mới đã ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong vòng hai năm qua do nhu cầu suy yếu, trong khi hoạt động tuyển dụng trong ngành sản xuất cũng diễn biến kém tích cực. Kỳ vọng về sản lượng trong tương lai hiện đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2020.

Nhiều ý kiến cho biết, lạm phát, các đợt tăng lãi suất của Fed, sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và sự gián đoạn liên tục của chuỗi cung ứng đã đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Theo các số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi tuần trước, chi tiêu của các hộ gia đình nước này trong tháng 5 đã giảm 0,4% và chi tiêu cho hàng hóa giảm 1,6%. Đặc biệt, chi tiêu cho hàng hóa lâu bền – những hàng hóa có tuổi thọ ít nhất ba năm, đã giảm 3,5% trong tháng 5, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2021.

Đáng chú ý, sự hạ nhiệt đối với nhu cầu hàng hóa vẫn chưa thể giúp giảm tỷ lệ lạm phát, bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine đang khiến giá năng lượng và lương thực thực phẩm toàn cầu tăng mạnh.

Bức tranh ảm đạm không kém cũng diễn ra tại châu Âu, nơi lạm phát cao đang hoành hành và các nỗ lực tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuẩn bị được triển khai. Theo khảo sát của S&P Global, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm từ mức 54,6 của tháng 5 xuống 52,1 trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 8-2020. Đà suy yếu này được dự báo sẽ tiếp diễn trong tương lai gần khi lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5-2020.

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết giá tiêu dùng trong khu vực Eurozone trong tháng 6 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái – mức cao kỷ lục từng được ghi nhận. Nguyên nhân chủ yếu là do sự leo thang của giá năng lượng (tăng 41,9%) và giá thực phẩm (tăng 8,9%), trong khi giá hàng hóa sản xuất cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 4,3%.

Trung Quốc lóe sáng nhưng châu Á vẫn ảm đạm

Tình hình khó khăn cũng diễn ra tại châu Á, nơi từng hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ về nhu cầu đối với máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác trong thời kỳ đại dịch, khi xu hướng làm việc từ xa trở nên phổ biến tại Mỹ và châu Âu.

Tại Nhật Bản, chỉ số PMI sản xuất theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Jibun đã giảm từ mức 53,3 của tháng 5 xuống 52,7 trong tháng 6. Còn tại Hàn Quốc, chỉ số PMI sản xuất theo khảo sát của S&P Global cũng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống 51,3 trong tháng 6, do tác động từ nguồn cung tắc nghẽn và cuộc đình công của các tài xế xe tải.

Chỉ số PMI của Ấn Độ cũng cho thấy sản lượng các nhà máy tại nước này đã tăng với tốc độ chậm chạp nhất trong chín tháng qua khi áp lực giá cả tăng cao đã hạn chế nhu cầu và sản lượng.

Điểm sáng lớn nhất của khu vực là việc nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu hướng đến sự phục hồi sau những cú sốc lớn từ dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa kéo dài tại nhiều trung tâm kinh tế lớn của nước này.

Theo khảo sát của Caixin, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng lên 51,7, đánh dấu lần mở rộng đầu tiên trong bốn tháng qua và cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 50,1 của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro bao gồm sự cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, và nỗi lo sợ về một làn sóng lây nhiễm mới. Theo Báo cáo Sách Xám của Trung Quốc, lượng hàng hóa tồn kho của các nhà máy tại nước này đang tăng cao, ngoại trừ ô tô.

Những tín hiệu cảnh báo đối với kinh tế toàn cầu

“Chúng tôi nghi ngờ về khả năng triển vọng của ngành sản xuất có thể được cải thiện trong thời gian ngắn”, Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics cho biết.

Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life của Nhật Bản, nhận định: “Có thể hy vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ khởi sắc trở lại sau một thời gian suy yếu. Tuy nhiên, đang có những rủi ro giảm tốc tại Mỹ và các nền kinh tế châu Âu. Đây sẽ là một trò chơi kéo co giữa hai bên, mặc dù triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn rất nhiều thứ chưa chắc chắn”.

Một số dấu hiệu đáng lo ngại khác đã xuất hiện trước đó, bao gồm những tuyên bố đáng lo ngại về nhu cầu suy yếu của các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Micron Technology Inc mới đây đã công bố dự báo doanh thu kém hơn mong đợi trong quí này, đồng thời lưu ý rằng thị trường đã “suy yếu đáng kể trong một khoảng thời gian rất ngắn”. Tại Trung Quốc, nhà sản xuất chip nhớ Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) cũng cho biết nhu cầu đối với thiết bị điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng đã lao dốc mạnh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng đưa ra cảnh báo về những đợt tăng lãi suất kèm theo tác động nặng nề trong thời gian sắp tới. Tại cuộc họp giữa các giám đốc ngân hàng trung ương ở Bồ Đào Nha hồi tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nói rõ rằng việc kiềm chế lạm phát có thể gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế, nhưng vẫn cần phải được thực hiện nhanh chóng để ngăn chặn việc giá cả leo thang trở nên dai dẳng hơn.

Những nỗ lực nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương cũng đồng nghĩa với khả năng suy thoái kinh tế gia tăng. Một cuộc thăm dò ý kiến của các chuyên gia kinh tế được Reuters thực hiện hồi tháng trước cho thấy, có 40% khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong hai năm tới và 25% khả năng xảy ra suy thoái ngay trong năm tới. Sự suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ kéo theo những tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.

Nguồn: WSJ, Reuters, Aljazeera, CNBC

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/san-xuat-toan-cau-giam-toc-noi-lo-suy-thoai-gia-tang/