Sản xuất thông minh – Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam

Vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có buổi trao đổi kinh nghiệm về sản xuất thông minh với Trung tâm Năng suất Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Tham dự buổi trao đổi, về phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng và đại diện một số đơn vị trong Tổng cục. Phía đoàn Trung tâm Năng suất Đài Loan (CPC) có ông Kuo-Ming Wang, Giám đốc quản lý, Chuyên gia tư vấn trưởng CPC; Ông Chien-Fei Chang, Giám đốc Văn phòng Khu vực miền trung, CPC; Ông Shih-Lung CHEN, Trưởng phòng Dịch vụ đào tạo và Kinh doanh tích hợp, CPC; Ông Jui-Fang Liang, Phó Chủ tịch Accute X technologies và ông Chih-Hsiung Lin, Tổng Giám đốc Joyontek.

Phát biểu tại buổi trao đổi, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết, nhóm ở Tổng cục TCĐLCL là nhóm đầu tiên tiếp cận sản xuất thông minh (SXTM). Sau khi tiếp cận thông tin từ phía Đài Loan (Trung Quốc) và khảo sát phía doanh nghiệp Việt Nam, ông cho rằng, hiện nay SXTM là nội dung rất mới đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Sau khi đánh giá sơ bộ 2 đến 3 doanh nghiệp cũng đã có dấu hiệu của SXTM, tuy nhiên doanh nghiệp chưa nhận biết được đó là SXTM, chỉ đơn giản là mua máy móc về mà không nhận biết được dấu hiệu. Ông tin tưởng với sự đánh giá, giúp đỡ về chuyên môn và kỹ thuật của phía Đài Loan (Trung Quốc) sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu thêm về SXTM và tiếp cận một cách có hiệu quả.

Đài Loan (Trung Quốc) được biết đến là nơi có rất nhiều kinh nghiệm về SXTM, chính vì vậy trong chuyến làm việc lần này đại diện phía CPC – ông Kuo-Ming Wang mong muốn chia sẻ kinh nghiệm SXTM của các doanh nghiệp tại Đài Loan (Trung Quốc) tới Việt Nam. Bên cạnh đó hy vọng được hợp tác với Viện Tiêu chuẩn Việt Nam và có thể tìm hiểu được những nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về SXTM. Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đều là các thành viên của APO, ông hy vọng rằng hai nước sẽ cùng phát triển hơn nữa về SXTM.

Ông Kuo-Ming Wang, Giám đốc quản lý, Chuyên gia tư vấn trưởng CPC.

Phát triển/ ứng dụng SXTM tại Đài Loan

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện CPC cho biết, nói đến SXTM là nói đến ngành công nghiệp 4.0, và ngành công nghiệp 4.0 cũng chính là khởi nguồn của SXTM. Trên thế giới đã có một số nơi tham gia SXTM như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Đài Loan đang phát triển các thiết bị máy móc thông minh, nói đến SXTM, cách mạng 4.0 cũng chính là nói đến IoT (mạng Internet vạn vật): máy tính thông minh, truyền đạt dữ liệu và cảm biến toàn diện, với mục đích giúp chúng ta sản xuất ngày càng linh hoạt, khi áp dụng tự động hóa máy móc sẽ giảm sức người lao động, quá trình sản xuất không còn những rủi ro. Giá trị của sản xuất là lấy con người làm cốt lõi và cũng chính là để phục vụ con người.

CPC được thành lập năm 1955, mục đích của Trung tâm là giúp doanh nghiệp nâng cấp mình, kết hợp giữa sản xuất và đào tạo doanh nghiệp. CPC là đơn vị tham mưu chính sách cho Đài Loan, giúp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và chế tạo.

Đi cùng với cách mạng 4.0, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đang nghiên cứu đưa ra những chính sách phù hợp, và để giúp đỡ doanh nghiệp, phía CPC đã định hình 5 đơn vị giúp đỡ cho 5 lĩnh vực khác nhau của Đài Loan, trong đó đơn vị thứ 5 là cải tiến, xúc tiến thay đổi doanh nghiệp… Đài Loan (Trung Quốc) có các thiết bị thông minh, máy móc thông minh có thể tiết kiệm năng lực và tạo ra năng suất trong sản xuất, CPC đang hướng tới liên kết các đơn vị về SXTM.

Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong SXTM

Việt Nam trở thành một “nhà máy lớn” của thế giới, là “điểm tựa” cho nhiều tập đoàn lớn cung ứng sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh ở các vùng miền và toàn cầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế như chưa bắt kịp sản xuất hiện đại và quy mô còn nhỏ; bên cạnh đó kỹ năng làm việc còn kém, số lượng đơn vị sản xuất thấp. Theo Bảng báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2015-2016, Việt Nam xếp hạng 56/140 nước, tuy nhiên chỉ số đổi mới cho sự khởi đầu là rất thấp…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, sản xuất thông minh đang phát triển rầm rộ và trở thành xu thế tất yếu. Đối với Việt Nam, để tiếp cận với làn sóng công nghệ mới này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sản xuất thông minh được coi là yếu tố quan trọng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Đặc biệt, khi mô hình nhà máy thông minh là tương lai của ngành sản xuất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Việt Nam có vị trí khá tốt về năng lực cạnh tranh quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể phát huy tiếp tục. Có lợi thế dân số trẻ, nhu cầu sử dụng công nghệ cao… Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cách thức kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ phát triển… Đây là các nền tảng sẽ hỗ trợ mức độ sẵn sàng với tương lai của nền sản xuất thông minh. Tuy nhiên, Việt Nam mới đang được xếp hạng ở giai đoạn sơ khai về tiêu chí động lực của tương lai sản xuất, dù cao hơn Indonesia, Campuchia, nhưng lại đi sau Thái Lan, Ấn Độ, Philippines…

Việt Nam cần có đánh giá những tiềm năng lợi thế của nền công nghiệp 4.0 và xu hướng công nghệ mới; phân tích, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong việc triển khai công nghiệp 4.0 để vận hành nhà máy thông minh, nhà máy số, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất kinh doanh; trao đổi về vấn đề quản trị rủi ro khi hầu hết các khâu của quá trình sản xuất đều được tự động hóa… Việc tiếp cận công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới mẻ này. Do đó, Việt Nam cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/san-xuat-thong-minh-co-hoi-moi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-d78397.html