Sản xuất thích ứng với khô hạn

Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) tích cực khai thác đất đai vùng cao để canh tác các loại cây trồng cạn như: đậu phộng, đậu xanh, mè...

Cây đậu xanh được trồng ở những diện tích đất gò cao trong mùa khô hạn

Vào thời điểm vừa thu hoạch lúa vụ 3 xong, ngay kịp lúc mùa mưa gần kết thúc, nền đất vẫn còn độ ẩm, nông dân xã An Hảo (Tịnh Biên) tranh thủ xuống giống các loại cây trồng, như: đậu xanh, đậu phộng, một số loại rau dưa ngắn ngày khác. Đối với xã An Hảo, ở những vùng đất ruộng trên, nếu chủ động được nguồn nước tưới thì vẫn có thể trồng được lúa nhưng đa số bà con đều chuyển đổi sang trồng màu, đặc biệt cây đậu xanh được chọn lựa nhiều nhất.

Bên cạnh đó, việc trồng cây đậu xanh trên ruộng cũng tăng thêm độ màu mỡ cho đất, nên có nhiều hộ tham gia, nhất là bà con đồng bào DTTS Khmer. Như vậy, vừa có thể tăng vòng quay của đất, vừa giúp nông dân có thêm thu nhập. Theo bà con nơi đây, so với các loại rau màu khác, đậu xanh là loại cây trồng cần ít nước tưới, nhẹ công chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của người dân nơi đây.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo Nguyễn Văn Phương cho biết, năm nay ở địa phương xuống giống phần nhiều là đậu xanh và trồng khảo nghiệm thêm 20ha cây đậu phộng. Thời điểm này, đậu xanh, đậu phộng vừa thu hoạch xong, đạt cả về năng suất, chất lượng và giá cả.

“Năm nay, đậu xanh được mùa, ít sâu bệnh, nông dân làm đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, bà con đồng bào DTTS Khmer canh tác tốn rất ít chi phí, chủ yếu dùng phân bò, bỏ ra tiền giống, xới đất, xịt thuốc dưỡng hạt... nên giảm chi phí về giống, phân bón, lợi nhuận ổn định hơn” - anh Phương chia sẻ.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã An Hảo sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi gắn với việc nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Với sự chủ động trong các phương án ứng phó, các địa phương ở huyện Tịnh Biên đã và đang nỗ lực đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân trong cao điểm mùa khô năm 2020.

Cùng với chủ trương của địa phương, nhiều nông dân trên địa bàn xã Văn Giáo (Tịnh Biên) nhạy bén chuyển đổi sang trồng các loại rau màu chịu hạn khi vừa thu hoạch xong lúa đông xuân, nhất là ở những diện tích đất gò cao, nguồn nước khó khăn.

Tuy ở không xa Trạm bơm 3-2, nhưng diện tích đất sản xuất của anh Chau Sam Áp (ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo) lại nằm ở gò cao, nếu muốn dẫn nước để sản xuất lúa thì phải gắn thêm máy bơm, như vậy chi phí sản xuất theo đó đội giá lên cao.

Hiểu được vấn đề, cùng với chủ trương của địa phương, anh Áp đã chuyển đổi sang trồng các loại cây chịu được hạn như: đậu phộng, mì, đậu đỏ, đậu xanh… trong nhiều năm qua.

Trước đó, anh Áp và nhiều nông dân ở địa phương được tham dự nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên tự tin ứng dụng.

Nếu những năm trước, anh Áp đều trồng đậu phộng thì năm nay, lại lựa chọn cây mì công nghiệp để sản xuất với diện tích 1ha. Trồng đậu phộng lợi nhuận ổn định hơn, có năm nếu đạt năng suất và giá, sau khi trừ chi phí, mỗi công có thể thu vào 3 triệu đồng.

Lý giải về vấn đề này, anh Áp cho biết: “Khi đậu phộng thu hoạch xong phải tuốt hạt ra thì thương lái mới mua, mà nông dân mình không có máy tuốt. Còn tuốt thủ công thì giờ không thuê mướn được nhân công nên khó ở khâu đó, chớ trồng đậu phộng hiệu quả hơn trồng mì bởi thời gian sinh trưởng ngắn, giá cả cũng ổn định”.

Theo anh Áp, thời gian canh tác mì tương đối dài, từ trồng đến thu hoạch khoảng 8 tháng, tuy nhiên nhẹ công chăm sóc, rất thích hợp cho những diện tích đất gò cao, khó khăn về nguồn nước tưới trong những tháng khô hạn.

“Nước tưới rất ít, chủ yếu là nguồn nước mưa, bón thêm ít phân chuồng thì cây mì vẫn xanh tốt, mặc nắng hạn. Giờ chỉ mong đến lúc thu hoạch thì mì có giá, nông dân mới phấn khởi” - anh Áp mong muốn.

ÁNH NGUYÊN

Đối với những loại cây trồng như: đậu phộng, đậu xanh, mè… do chu kỳ sinh trưởng ngắn ngày, nhu cầu nước tưới từ đó sẽ ít hơn, có khả năng né tránh được thời tiết khô hạn khi vào cao điểm và bảo đảm lịch thời vụ sản xuất. Như vậy, giúp nông dân nhanh nhạy ứng phó với điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, cải thiện kinh tế gia đình.

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/san-xuat-thich-ung-voi-kho-han-a266845.html