Sản xuất thành công vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi

Thông tin công bố tại cuộc họp về 'Giải pháp sử dụng vắc-xin, chế phẩm sinh học trong phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi' do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 2-7 cho biết, các nhà khoa học Việt Nam đã phân lập được tế bào PAM để sản xuất vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi, đang nghiên cứu nhân chủng virus lên số lượng lớn.

Cách đây 4 tháng, 4 loại vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi được nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam gồm (vắc xin vô hoạt (đã thử nghiệm trong phòng thí nghiệm), nhược độc truyền thống (đã làm các kỹ thuật tạo chủng virus, đang cấy chuyển thử nghiệm sinh học phân tử), vắc xin nhược độc tự nhiên (đang sàng lọc chọn chủng tự nhiên), vắc-xin dùng công nghệ xóa gen (đang triển khai các nghiên cứu).

Với vắc-xin vô hoạt, nhóm nghiên cứu thành công, phân lập, lựa chọn được một số chủng virus, lựa chọn môi trường sản xuất vắc-xin và xác định được chủng virus cường độc để đánh giá chất lượng vắc-xin. Bước đầu đạt kết quả tốt trong quy mô phòng thí nghiệm trong diện hẹp. Nhóm nghiên cứu thực hiện thí nghiệm trong khu nuôi động vật Học viện Nông nghiệp Việt Nam và cơ sở chăn nuôi ngoài thực địa của ông Trịnh Vũ Trình (Hưng Yên). Tiêm thí nghiệm đối với 14 heo nái từ ngày 18-4 và lặp lại mũi 2 vào ngày 12-5. Sau 8 tuần, 13 lợn nái sức khỏe vẫn bình thường, ăn uống tốt và đẻ con, có một con bị chết do dịch tả sau khi tiêm mũi 1.

Lợn được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ảnh tư liệu

Lợn được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ảnh tư liệu

Thử nghiệm tiêm cho lợn khỏe và nhốt chung với đàn bị bệnh, kết quả cho thấy con được tiêm phòng không bị lây nhiễm. Từ kết quả thí nghiệm, có thể khẳng định vắc-xin an toàn và bảo hộ cao đối với lợn được tiêm phòng. Tuy nhiên do thời gian nghiên cứu và thử nghiệm ngắn, nhiều thí nghiệm đã được rút ngắn nên các loại vắc-xin cần nghiên cứu thêm trên diện rộng và lặp lại, bổ sung nhiều thí nghiệm để tối ưu hóa công thức, chất lượng vắc-xin. Cần triển khai các nghiên cứu tiếp theo để tạo các vắc-xin khác tốt hơn.Bộ NN&PTNT cần cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi; tổ chức giúp Học viện đánh giá chất lượng vắc-xin sản xuất ra để sớm đưa vào phục vụ sản xuất.

Tại cuộc họp, đại diện nhiều nhóm nghiên cứu đến từ các DN cũng giới thiệu về các kết quả bước đầu sản xuất vắc-xin, chế phẩm sinh học có thể áp dụng vào chăn nuôi giúp phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sớm xây dựng quy trình khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắc-xin trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam. Bộ trưởng cũng chỉ đạo không chủ quan với các kết quả đạt được, cần tiếp cận theo các hướng sáng tạo nhất để đẩy nhanh các bước, sớm thương mại hóa vắc-xin ra thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các nhà nghiên cứu cần tiếp tục quan tâm, phân tích những cá thể còn tồn tại, vì đây chính là nguồn gen rất quý nhờ sức chống chịu dịch bệnh tốt. Việc bảo tồn các nguồn lợi gen lợn khỏe mạnh trong dịch bệnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Trong suốt 100 năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu sản xuất được 7 dòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (đã đánh giá tính hiệu lực) từ các chủng giống virus nhược độc. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vắc-xin này gặp nhiều khó khăn, do chi phí sản xuất rất cao, vì vậy việc phòng bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn với dịch tả lợn châu Phi không được thực hiện. Mỗi khi mầm bệnh lây lan, biện pháp được áp dụng là tiêu hủy đàn lợn.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam cách đây hơn 4 tháng và lây lan nhanh trên 60 tỉnh, thành trên cả nước. Đã có gần 3 triệu con lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy. Hiện dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm và nguy cơ tiếp tục lây lan các tỉnh còn lại, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Hùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/san-xuat-thanh-cong-vac-xin-phong-dich-ta-lon-chau-phi-154162.html