Sản xuất sản phẩm chữa ung thư bằng than tre ở Hải Phòng: Công nhân, hàng xóm không biết đốt tre, nứa làm gì

Khi bị lực lượng liên ngành bất ngờ kiểm tra, lập biên bản thu giữ tang vật tại cơ sở sản xuất sản phẩm, nguyên liệu chữa ung thư bằng tre nứa, những công nhân làm việc ở đây mới vỡ lẽ về công việc mà mình đang làm.

Cơ sở đóng gói Vinaca ở quận Kiến An, TP Hải Phòng. Ảnh: T.G

Cơ sở quây tôn kín mít, đốt tre nứa khói mù mịt

Trở lại xã Hồng Phong (huyện An Dương, Hải Phòng) mới đây, nơi sản xuất nguồn nguyên liệu cho thực phẩm chức năng TPCN Vinaca vừa được lực lượng liên ngành CA quận Kiến An và Quản lý thị trường triệt phá.

Một người dân nhà gần Công ty Hồng An Phong cho biết: Năm 2017, những ngày đầu, cả làng chẳng ai biết công ty này sản xuất cái gì, chỉ thấy trong thôn có khoảng 10 người được ông Tuấn thuê đến thu gom, rửa tre nứa đem vào trong xưởng đốt. Lạ nhất, công ty này lúc nào cũng quây tôn kín mít, chẳng mấy ai biết họ làm gì trong đó. Chỉ thấy, ngày ngày có khói tỏa ra mù mịt, ô nhiễm cả vùng nên chúng tôi đoán bên trong xưởng có một lò đốt. Tới hôm, công an ập tới kiểm tra xưởng, bắt quả tang công nhân đang đốt tre, nứa và thấy báo chí đưa tin, cả làng mới ngã ngửa ra, họ đốt tre, nứa lấy tro làm nguyên liệu đóng gói thành thuốc chữa bệnh ung thư.

Tại UBND xã Hồng Phong, ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã thông tin: Mấy tháng gần đây, người dân có phản ánh việc Công ty Hồng An Phong tập trung đốt thân cây đu đủ, quả đu đủ, thân cây tre nứa gây khói bụi ô nhiễm môi trường khu vực. Sau khi nghe phản ánh của bà con, lãnh đạo xã đã xuống kiểm tra yêu cầu anh ngừng đốt, quây lại khu vực đốt nhằm giảm khói bụi ô nhiễm ảnh hưởng tới người dân.

Toàn bộ xưởng này được xây dựng trên khuôn viên đất của gia đình ông Tuấn. Từ khi Công ty Hồng An Phong hoạt động đến nay, UBND xã không nhận được bất cứ văn bản nào của phòng Y tế, Sở Y tế hay UBND huyện An Dương về việc hoạt động của công ty này để mà giám sát. Khi công an xã thấy dân phản ánh, xuống tìm hiểu thì mẹ ông Tuấn nói “đốt tre nứa phục vụ sinh hoạt”.

Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an

Qua xác minh tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cơ sở sản xuất TPCN trên chưa được Cục ATTP cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất; sản phẩm thực phẩm Vinaca ung thư Co 3.2 chưa đăng ký công bố chất lượng. Theo đó, Sở Y tế khẳng định sản phẩm TPCN Vinaca ung thư Co 3.2 không đủ điều kiện lưu thông ngoài thị trường và có văn bản gửi các cơ sở kinh doanh TPCN trên địa bàn thành phố yêu cầu không kinh doanh loại sản phẩm trên. Đồng thời, gửi công văn đề nghị Cục ATTP - Bộ tế có biện pháp chỉ đạo đối với việc kinh doanh, lưu thông sản phẩm này trên thị trường toàn quốc.

Lực lượng Công an quận Kiến An xác định, lô hàng tại hai cơ sở sản xuất do bà Đào Thị Chúc quản lý tại địa bàn quận Kiến An đều không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không có giấy phép sản xuất và kinh doanh, nên đã chuyển hồ sơ sang cho Quản lý thị trường xử phạt hành chính.

Sáng ngày 12/4, Sở Y tế Hải Phòng đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành xác minh toàn bộ những cơ sở hoạt động của Công ty Hồng An Phong tại huyện An Dương và tỉnh Hưng Yên (theo kê khai trong đơn xin cấp phép hoạt động tổ chức đóng gói tại Hưng Yên) cho thấy, đơn vị này đã kê khai thiếu trung thực vi phạm Điều 46 TT 06/Bộ Y tế. Theo đó, Sở Y tế đã ra quyết định rút toàn bộ những phiếu đã công bố sản phẩm của công ty Hồng An Phong.

Đối với sản phẩm Vinaca tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, đoàn kiểm tra toàn bộ hồ sơ cho thấy, đơn vị Quản lý thị trường và Công an quận Kiến An đã xử phạt công ty này vì 2 lý do “Không có giấy phép đăng ký kinh doanh sản xuất thuốc hay thực phẩm chức năng” và “Nguyên liệu sản xuất không có nguồn gốc”. Trong khi đó, điều kiện để một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) do Cục QLATTP cấp và Giấy đăng ký công bố sản phẩm tại Cục ATTP. Hiện nay, qua xác minh cho thấy, cả 2 giấy này đều không có. Chính vì vậy, Công ty Vinaca không được sản xuất và lưu hành TPCN này. Theo đó, Sở Y tế Hải Phòng có Công văn chuyển hồ sơ sang công an thành phố.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho hay: Sở Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị (UBND quận Kiến An, huyện An Dương) để cùng phối hợp giám sát các hoạt động của 2 cơ sở này, tránh tình trạng tái hoạt động lại. Đồng thời, Sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra toàn bộ các cơ sở hoạt động kinh doanh TPCN, hậu kiểm các cơ sở mà Sở đã tiếp nhận công bố kinh doanh mỹ phẩm.

Đầu năm 2018, khi ập vào “xưởng” sản xuất của Đào Thị Chúc (25 tuổi, ở Kiến An, Hải Phòng), công an đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm thuốc của Công ty Vinaca.

Trong đó, 5 loại sản phẩm đang được sản xuất tại cơ sở này gồm: 154 hộp Vinaca ung thư CO3.2; 633 chai Vinaca Vi5 tẩy mùi hôi (loại 300 đến 900 ml); 100 lọ Vinaca baby Vi6... Tất cả sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trả lời cơ quan chức năng, Đào Thị Chúc cho biết việc sản xuất thuốc theo sự chỉ đạo, sắp xếp của chồng là ông Nguyễn Xuân Thu (37 tuổi), Giám đốc công ty Vinaca (trụ sở tại phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Cũng theo sự thừa nhận của bà Chúc, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất các sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2, Vinaca baby Vi6… là bột than tre nứa. Nguồn này, bà Chúc nhập từ ông Nguyễn Văn Tuấn (33 tuổi, Giám đốc công ty Hồng An Phong, địa chỉ ở thôn Hồng Lâu, xã Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng).

Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cũng là người cho Công ty Vinaca “mượn” giấy tờ pháp nhân. Công ty Hồng An Phong còn trực tiếp làm các thủ tục pháp lý tại Sở y tế Hải Phòng để xin lưu hành các sản phẩm của Vinaca trên thị trường.

Minh Lý - Tuệ Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-san-xuat-san-pham-chua-ung-thu-bang-than-tre-o-hai-phong-cong-nhan-hang-xom-khong-biet-dot-tre-nua-lam-gi-20180417100231622.htm