Sản xuất ô tô tìm đường bứt phá

Các doanh nghiệp sản xuất ô tô đã đưa ra những đề xuất cụ thể liên quan đến các chính sách vĩ mô và đầu tư với mục tiêu thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam của ngành công nghiệp ô tô.

Tập đoàn Thành Công kiến nghị cần có chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Tập đoàn Thành Công kiến nghị cần có chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Thúc công nghiệp hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của Tập đoàn Thành Công (TCG) cho hay, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ đầu tuần này, TCG kiến nghị cần có chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô như miễn thuế nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, vật tư để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Hiện quy mô thị trường ô tô của Việt Nam là quá nhỏ, rất khó để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào lĩnh vực CNHT. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thế mạnh là sản xuất các linh kiện cơ khí, nhựa phục vụ cho ngành sản xuất xe máy với các sản phẩm linh kiện và chi tiết đơn giản, có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Mặc dù Nghị định số 111/2015/NĐ-CP chỉ ra 6 ngành cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đầu tư năm 2014 cũng đã xác định ngành sản xuất phụ tùng ô tô là ngành ưu đãi đầu tư, nhưng ưu đãi mà ô tô được hưởng cũng chỉ như đầu tư vào các ngành nghề ưu đãi đầu tư khác, nên CNHT cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô chỉ đạt 7-10% giá trị sản phẩm và chưa có đột phá.

Trong khi đó, các doanh nghiệp CNHT cũng đang đối mặt với thách thức tương tự các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô ngay từ năm 2018 là không còn hàng rào bảo hộ bằng thuế nhập khẩu đối với các linh kiện ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN (thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0%), trong khi doanh nghiệp CNHT trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu, vật tư có thuế nhập khẩu để sản xuất linh kiện, nên không có khả năng cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.

“Chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ sớm xây dựng một cơ chế đặc thù về chính sách miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô ngay trong năm 2019. Việc tập trung thúc đẩy ngành CNHT cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô sẽ có tác động lan tỏa tới nhiều ngành công nghiệp khác, thúc đẩy sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo lượng lớn công ăn việc làm cho các địa phương có doanh nghiệp CNHT, cũng như tăng thu cho ngân sách địa phương”, đại diện TCG nói.

Cũng theo đại diện TCG, chính sách đặc thù này cần phải được xây dựng đúng thời điểm (trong năm 2019) để tận dụng được hiệu quả của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP (Nghị định 125) mới có tác dụng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, bởi nếu để thêm 3 - 5 năm nữa, khi mà các ràng buộc về điều kiện nhập khẩu tại Nghị định 116 và thời hạn của chính sách ưu đãi miễn thuế đối với linh kiện tại Nghị định 125 đã hết thì cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô là rất khó.

Công ty Ô tô VinFast mới đây đã đề nghị Bộ Tài chính bổ sung các chính sách ưu đãi thuế với ngành CNHT cho ngành ô tô, bởi tại Nghị định 125 hiện chưa có.

Cũng liên quan tới thuế, nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh cho sản xuất tại Việt Nam đã đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, loại trừ phần giá trị tạo ra trong nước khỏi trị giá tính thuế, nhằm giảm chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sử dụng linh kiện sản xuất trong nước, qua đó góp phần tăng sản lượng cho CNHT.

Thay đổi cách tính sản lượng

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 125, đã có những đề nghị mới từ các doanh nghiệp ô tô trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô.

Hiện đã có những doanh nghiệp đang tiến hành mua một số nhà máy hoạt động yếu kém, không hiệu quả để tập trung cấu trúc và sắp xếp lại hệ thống quản lý sản xuất, công nghệ nhằm tận dụng các dây chuyền công nghệ, máy móc sẵn có.

Tuy nhiên, so với điều kiện quy định về sản lượng theo Nghị định 125 thì các nhà máy này không thể đáp ứng được, nên sẽ không được áp dụng chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định 125. Vì vậy, sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy này sẽ có chi phí, giá thành cao.

Với mong muốn đưa các nhà máy này vận hành trở lại, mang lại thu nhập cho người lao động, phát huy thiết bị sản xuất đã đầu tư, đã có những đề nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, bổ sung cho phép sản lượng xe ô tô sản xuất lắp ráp tại các nhà máy được mua lại cũng được tính chung vào sản lượng của doanh nghiệp ô tô tiến hành mua bán và sáp nhập. Như vậy, các nhà máy này sẽ đủ điều kiện để áp dụng chính sách ưu đãi thuế của Nghị định 125.

Tập trung thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô sẽ có tác động lan tỏa tới nhiều ngành công nghiệp khác.

Cũng liên quan đến thống kê sản lượng, Công ty VinFast cho hay, kế hoạch sản xuất xe bus điện của Công ty là 500 xe/năm trong giai đoạn từ nay tới năm 2022. Tuy nhiên, Nghị định 125 đang quy định về sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng tối thiểu với nhóm xe bus để được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế đang đặt mốc sản lượng chung tối thiểu là từ 800 - 1.400 xe/năm trong giai đoạn từ 2018 - 2022, trong đó phải có 1 mẫu xe đạt sản lượng riêng tối thiểu là từ 600 - 800 chiếc/năm ở giai đoạn 2020 - 2022.

“Theo số liệu trên sẽ rất khó với VinFast cũng như các nhà sản xuất xe bus điện khác, nhất là khi đây là sản phẩm thân thiện với môi trường và hoàn toàn mới, cần được khuyến khích phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu tiếp cận thị trường”, đại diện VinFast cho hay.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/san-xuat-o-to-tim-duong-but-pha-d96907.html