Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, do biến đổi khí hậu gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 về 'Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu'. Nghị quyết 120/NQ-CP dần được đưa vào đời sống nhân dân tỉnh Bến Tre với nhiều kết quả khả quan. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp tại Bến Tre về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, đưa kinh tế của tỉnh Bến Tre phát triển hơn.

Mô hình chăn nuôi bò sữa thích ứng với biến đổi khí hậu phát huy hiệu quả ở Bến Tre. Ảnh: Diệp Anh

Mô hình chăn nuôi bò sữa thích ứng với biến đổi khí hậu phát huy hiệu quả ở Bến Tre. Ảnh: Diệp Anh

Nhiều kết quả khả quan

Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, tỉnh Bến Tre đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng của thị trường. Cùng với đó, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp (công nghiệp 4.0).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết: “Mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre ngày càng được nhân rộng. Qua đó, diện tích canh tác lúa giảm hơn 10.000ha để chuyển sang nuôi trồng thủy sản ở vùng mặn, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi”.

Ông Lập cho hay, để nâng cao năng lực trong việc ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương vay vốn ODA, Bến Tre đã triển khai nhiều dự án như: Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (vốn IFAD); hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre; dự án cung cấp nước cho dân cư Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xác định phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, giảm đói nghèo, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới...

Chuyển đổi thích ứng với khí hậu

Chọn 2 xã An Hiệp và Phú Ngãi (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) để làm điểm, huyện Ba Tri đã tăng trưởng mạnh đàn bò thịt, bò sữa trên 100.000 con, hơn 400ha đất kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò mang lại hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng cho biết: “Đây là mô hình triển vọng của địa phương nhằm giúp nông dân làm giàu và góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay. Hiện tại, tất cả hộ chăn nuôi bò sữa tại địa phương đều ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán trung bình từ 12 - 14 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng sữa. Mỗi ngày 2 lần, nông dân thu hoạch sữa rồi vận chuyển đến trạm thu mua đặt tại xã An Bình Tây (huyện Ba Tri) để bán cho doanh nghiệp”.

Đơn cử, gia đình ông Bùi Văn Thanh, ngụ ấp Ben Vựa Bắc (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri) có kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi bò bán thịt. Năm 2016, gia đình ông Thanh chuyển dần sang nuôi bò sữa. Ban đầu, gia đình được Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre (giai đoạn 2015 - 2019) hỗ trợ cho mượn 3 con bò sữa và mua thêm 2 con. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình tăng lên 19 con, trong đó, 8 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 85kg sữa và ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán từ 12 - 14 nghìn đồng/kg.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hồ Văn Phúc khẳng định: “Mô hình chăn nuôi bò sữa trong thời gian qua phát triển khá tốt nhờ thích hợp với điều kiện khí hậu, đồng cỏ của địa phương. Hiện, các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả. Sắp tới, địa phương sẽ tuyên truyền về hiệu quả của mô hình nhằm vận động người dân phát triển đàn bò sữa. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Từ hiệu quả ban đầu của Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre, một số hộ chăn nuôi tại huyện Ba Tri đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò sữa với quy mô trang trại. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho người dân ở những vùng khó khăn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Như gia đình ông Nguyễn Thành Nam, ngụ ấp An Hòa, xã An Phú Trung (huyện Ba Tri) đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng kiên cố để nuôi bò sữa.

Ông Nam cho biết: “Hiện, đàn bò sữa đã phát triển lên 34 con, trong đó, 10 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày, gia đình thu hoạch khoảng 140 - 150kg sữa, thu về hơn 2 triệu đồng. Sắp tới, gia đình dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng, mua thêm bò giống để tăng đàn theo quy mô trang trại”.

Diệp Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/san-xuat-nong-nghiep-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/