Sản xuất nông nghiệp ở các xã biên giới chuyển biến tích cực

ĐTO - Các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã biên giới đã tập trung thực hiện các mục tiêu Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, việc kết hợp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tại các xã biên giới đã có những chuyển biến tích cực, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển sản xuất gắn kết với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân. Một số kết quả nổi bật như: diện tích lúa thu đông đã giảm từ 5.070ha năm 2016 xuống 3.337ha năm 2019, dự kiến năm 2020 khoảng 3.788ha để chuyển dịch cơ cấu cây trồng; diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn tăng hàng năm (cuối năm 2019 đạt 1.673ha, dự kiến cuối năm 2020 đạt 1.800ha); tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, mô hình chăn nuôi dê đang phát triển; diện tích nuôi thủy sản biến động mạnh (thấp nhất năm 2017 đạt 269ha, cao nhất năm 2019 đạt 616ha) nhưng sản lượng thu hoạch luôn đạt mức cao. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được áp dụng, thực hiện như: quản lý dịch bệnh tổng hợp, phân bón thông minh, phân vùi, nuôi lươn, giảm giá thành sản xuất lúa, 2 lúa - tôm càng xanh, 2 lúa - vịt - cá tự nhiên. Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, mô hình tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười - các huyện, thị phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp” đã và đang được triển khai thực hiện tại các xã biên giới.

Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở các xã biên giới được củng cố bộ máy tổ chức và hoạt động theo Luật HTX. Đến nay, có 11 HTX nông nghiệp (tăng 3 HTX so với năm 2016), đều hoạt động có hiệu quả, đạt theo yêu cầu của tiêu chí nông thôn mới và có 56 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc liên kết tiêu thụ nông sản đạt kết quả khả quan, cụ thể như vụ đông xuân 2019-2020, huyện Tân Hồng có HTX, tổ hợp tác liên kết tiêu thụ lúa với công ty, doanh nghiệp được 2.421ha, sản lượng 16.387 tấn; huyện Hồng Ngự, nông dân liên kết tiêu thụ lúa với công ty, doanh nghiệp được 580ha, sản lượng 4.075 tấn; TX.Hồng Ngự, nông dân liên kết tiêu thụ lúa với công ty, doanh nghiệp được 1.469ha, sản lượng 9.742 tấn. Ngoài ra, nhằm kết nối người dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác mua chung, bán chung và xây dựng xóm làng, 4 Hội quán đã được thành lập tại 4/8 xã biên giới với tổng số 329 thành viên tham gia hoạt động, chủ yếu là nuôi lươn, chăn nuôi bò và trồng lúa.

TN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-o-cac-xa-bien-gioi-chuyen-bien-tich-cuc-92792.aspx