Sản xuất nấm ở làng nghề Bàu Cối

Xã Bảo Quang là nơi tập trung đông số hộ nông dân làm nghề trồng nấm ở TP.Long Khánh. Trong đó, ấp Bàu Cối đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề trồng và sơ chế nấm.

Anh Nguyễn Hoàng Thao, Phó giám đốc HTX Nấm Bảo Quang đang thu hoạch nấm bào ngư. Ảnh: H.Yến

Anh Nguyễn Hoàng Thao, Phó giám đốc HTX Nấm Bảo Quang đang thu hoạch nấm bào ngư. Ảnh: H.Yến

Tuy nhiên, việc sản xuất nấm ở đây vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, hiện chưa hộ dân nào dám mạnh dạn đầu tư trồng nấm theo hướng công nghệ cao.

* Kinh nghiệm luân phiên “canh tác”

Làng nghề trồng nấm ở ấp Bàu Cối có khoảng 140 hộ dân theo nghề trồng nấm. Các sản phẩm nấm ở đây khá đa dạng như: nấm mèo, nấm bào ngư, nấm sò, nấm linh chi, xích chi, hồng chi.

Thay vì chuyên canh một loại nấm, người dân ở đây có xu hướng luân phiên trồng các loại nấm khác nhau trong cùng 1 năm. Điều này được lý giải là nhằm thay đổi môi trường, phòng ngừa sâu bệnh, đảm bảo năng suất. Bà Đào Thị Hoa, một người có kinh nghiệm 20 năm trong nghề trồng nấm cho biết: “Nếu trồng liên tục một loại nấm thì khả năng nhiễm bệnh sẽ cao. Vì thế, trong 1 năm, tôi sẽ xen kẽ trồng từ 2-3 loại nấm trong 1 trại. Chẳng hạn, đợt này tôi trồng hồng chi thì đợt sau đó sẽ trồng nấm mèo, sau nữa lại trồng bào ngư rồi mới quay lại trồng hồng chi”.

Bà Hoa đến với nghề trồng nấm từ năm 2001. Ban đầu, bà trồng 5 thiên nấm (5 ngàn bịch), rồi tăng lên 10 thiên. Khi trại nấm của bà đạt đến 70 thiên, bà mở lò, cung cấp giống cho các hộ trồng nấm khác. Bà Hoa hiện cũng là hộ dân tiên phong trong lĩnh vực trồng nấm hồng chi ở ấp Bàu Cối.

Theo bà Hoa, nấm hồng chi có giá trị kinh tế cao, rủi ro ít. “Tôi trồng nấm hồng chi gần như không bị dịch bệnh, giá thành cũng cao. Một kg nấm hồng chi khô có giá bán khoảng 600 ngàn đồng. Vì vậy, tôi dự định mùa này sẽ thử nghiệm trồng chuyên canh nấm hồng chi tại trại. Nhưng nếu muốn làm nấm hồng chi liên tiếp thì thời gian tái trồng phải kéo dài. Tức là sau khi thu hoạch xong thì phải để trống trại một thời gian rồi mới trồng lại nấm”.

Nhà bà Hoa có trại giống, cung cấp meo giống cho không chỉ bà con nông dân địa phương mà còn cho cả các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, để trồng nấm hồng chi, bà Hoa hiện vẫn đang phải mua meo giống của người khác. Đây cũng chính là thương lái sẽ thu gom sản phẩm nấm hồng chi của bà.

Hiện nay, vẫn còn ít mối thương lái thu gom nấm hồng chi. Việc tiêu thụ loại nấm này đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Đây cũng là tình trạng chung của các loại nấm khác ở ấp Bàu Cối. Bà con nông dân trồng nấm, ngay cả HTX Nấm Bảo Quang vẫn đang bán hàng cho thương lái theo dạng “hợp đồng miệng” chứ chưa tìm được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chưa đưa trực tiếp sản phẩm nấm lên các kệ hàng của siêu thị.

* Chưa mạnh dạn đầu tư theo hướng công nghệ cao

Không khó để nhận diện các trại trồng nấm ở ấp Bàu Cối. Đó là những dãy “nhà” cao chừng 3m, lợp lá dừa và được quây bạt kín. Chi phí đầu tư ban đầu của 1 trại trồng nấm như vậy hết khoảng 50 triệu đồng. Số tiền không quá lớn cho 1 hộ nông dân khởi nghiệp.

Với những người đã trồng nấm lâu năm, kinh nghiệm giúp họ không bị thua lỗ, miễn là đảm bảo được năng suất, bởi thị trường tiêu thụ, giá cả các loại nấm tương đối ổn định. Vì thế, họ yên tâm với việc sản xuất nấm theo hướng truyền thống. Hiện tại, ít có người suy nghĩ đến việc sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Anh Nguyễn Hoàng Thao, Phó giám đốc HTX Nấm Bảo Quang chia sẻ: “Tôi đã tham quan mô hình trồng nấm công nghệ cao ở một số nơi nhưng chưa tính đến chuyện đầu tư, bởi chi phí đầu tư ban đầu cao. Trong khi bà con nông dân ở đây đa số đã dựng trại theo kiểu truyền thống, nên khó có thể đập đi để làm mới. Hơn nữa, nông dân mình hiện vẫn trồng nấm theo kinh nghiệm chứ chưa áp dụng khoa học kỹ thuật”.

Chính lối sản xuất theo kiểu truyền thống nên sản lượng nấm phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài việc meo giống có đạt chất lượng hay không, việc sản xuất nấm của bà con nông dân còn phụ thuộc vào nhiệt độ, thời tiết, khí hậu. Nếu làm công nghệ cao, người dân có thể chủ động điều khiển nhiệt độ, độ ẩm... Khi đó, sản lượng nấm sẽ không còn bị phụ thuộc vào thời tiết, chắc chắn trồng là “có ăn”.

Tuy chưa thể đầu tư theo hướng công nghệ cao nhưng sự tham gia của những thanh niên trẻ như anh Thao trong HTX cũng phần nào mở ra hướng phát triển cho làng nghề nấm ở xã Bảo Quang. Là thành viên Ban giám đốc HTX, anh Thao chủ động làm công việc tiếp thị, tìm đầu ra cho sản phẩm đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng thương hiệu nấm Long Khánh.

“Bản thân tôi rất mong muốn xây dựng được thương hiệu riêng cho nấm Long Khánh. Hiện nay, bà con nông dân ở đây đã sản xuất được nhiều loại nấm, sản lượng cao nhưng không chủ động đưa ra thị trường được mà toàn bộ đều phải qua thương lái. Vì vậy, muốn bán được giá, mở rộng thị trường thì phải xây dựng thương hiệu. Đây là công việc mà chúng tôi đang thực hiện” - anh Thao cho hay.

Đầu năm nay, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL (TP.HCM) đã hoàn thành đề tài KH-CN cấp sở Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Long Khánh cho sản phẩm nấm mèo TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Đề tài có 4 nội dung chính gồm: điều tra, khảo sát hiện trạng vùng sản xuất nấm mèo Long Khánh; đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể nấm mèo Long Khánh; xây dựng hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể nấm mèo Long Khánh; xây dựng phương án khai thác và nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể nấm mèo Long Khánh.

Đơn vị thực hiện đề tài cũng đã tổ chức tập huấn cho người dân ở đây về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể nấm mèo Long Khánh. Tuy nhiên, ngay sau đó thì mọi việc đều ngưng lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở giai đoạn hiện tại, mặc dù bước đầu đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể nấm mèo Long Khánh nhưng các hộ nông dân ở đây vẫn chưa sử dụng nhãn hiệu này.

“Chúng tôi dự kiến sẽ không bán nấm mèo ra thị trường theo kiểu trôi nổi như trước đây nữa mà sẽ gắn với nhãn hiệu. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư thiết bị để cắt lát, sấy khô nấm để tự phát triển thị trường. Làm được như vậy thì nông dân mới yên tâm sản xuất” - anh Thao cho biết thêm.

Hướng đến chuẩn VietGAP

Ông Phạm Văn Hòa, Giám đốc HTX Nấm Bảo Quang cho biết, làng nghề nấm Bàu Cối hiện có khoảng 140 hộ làm nghề, trong đó có 12 thành viên được chọn để tham gia, thành lập nên HTX Nấm Bảo Quang. Đây là những thành viên tâm huyết, nhiệt tình, cùng nhau đóng góp vốn sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Nếu phát triển tốt thì HTX sẽ phát triển thêm thành viên.

Để góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho làng nghề, các thành viên HTX đang hướng đến chuẩn VietGAP trong trồng nấm. Theo đó, thành viên cam kết không dùng thuốc bảo vệ thực vật; trại trồng nấm phải tu bổ lại để sạch sẽ, thoáng đãng hơn. Một số thành viên HTX hiện đang thực hiện việc chuyển đổi này.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202006/san-xuat-nam-o-lang-nghe-bau-coi-3006782/