Sản xuất lúa vẫn... trắc trở

Năng suất giảm do sâu bệnh hoành hành, giá bán lại giảm mạnh khiến hàng ngàn nông hộ ở các địa phương vùng ĐBSCL đang đối mặt với vụ lúa thu đông 2017 đầy trắc trở…

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Năng suất, giá bán đều thấp

Ông Nguyễn Văn Sáng (nông dân ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết: “Gia đình tui vừa thu hoạch 5 công lúa thu đông được gần 2,5 tấn, giảm gần 1 tấn so cùng kỳ năm trước. Đã vậy, thương lái ngã giá chỉ 4.600 đồng/kg. Giá thấp cộng với sâu bệnh nhiều dẫn đến chi phí tăng, năng suất lại giảm nên tui tính sơ sơ sẽ cầm chắc lỗ...”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Năm (ngụ ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) cho biết: “Đây là vụ lúa năng suất thấp nhất trong nhiều năm gần đây, chỉ đạt 550kg/công. Giá lúa lại liên tục giảm. Bà con nông dân làm quần quật suốt 3 tháng, nhưng chẳng kiếm được đồng lời nào!”.

Vụ lúa thu đông 2017, nông dân ở Hậu Giang xuống giống gần 51.550ha, đạt 103% kế hoạch. Đây là vụ lúa bà con đặt nhiều kỳ vọng, nhằm bù sản lượng 2 vụ lúa hè thu và đông xuân trước đó. Tuy nhiên, nông dân tỉnh này gặp “nỗi buồn kép” khi năng suất và giá bán thấp dẫn đến nhiều hộ bị thua lỗ. Thời điểm đầu tháng 8, lúa tươi, cắt bằng máy thương lái cân tại ruộng với giá từ 5.200 - 5.300 đồng/kg (giống OM 5451), hiện giảm còn 4.600 - 4.700 đồng/kg (riêng giống lúa IR 50404 giá chỉ từ 4.000 - 4.100 đồng/kg).

Đến thời điểm này, nông dân ở Hậu Giang đã thu hoạch hơn 3.770ha lúa (tập trung ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp và TP.Vị Thanh). Năng suất lúa bình quân đạt 5,4 tấn/ha; trong đó huyện Phụng Hiệp và TP.Vị Thanh năng suất chỉ đạt 5 tấn/ha.

Theo dự báo, năng suất các trà lúa sắp thu hoạch khó tăng do tình hình sâu bệnh ảnh hưởng khá nhiều. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang ghi nhận có hơn 3.200ha lúa thu đông bị nhiễm các loại dịch hại với các đối tượng phổ biến: Rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá, lem lép hạt… Đáng chú ý là bệnh bạc lá đang bùng phát mạnh với diện tích nhiễm bệnh hơn 650ha (tỉ lệ nhiễm từ 10 - 50% lá ở các trà lúa đòng - trổ), tăng gần 100ha so cách nay khoảng 10 ngày…

Lũ đe dọa lúa hè thu muộn

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - cho biết, tỉnh này có khoảng 9.000ha lúa hè thu 2017 ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX.Cai Lậy có khả năng bị lũ đe dọa do các vùng lúa này nằm ở ô bao lửng, không đảm bảo ngăn lũ. Từ ngày 15 - 23.9, các huyện, thị phía tây còn trên 5.839ha chưa thu hoạch (huyện Cái Bè - 1.601ha; TX.Cai Lậy - 1.133ha, huyện Cai Lậy - 1.433ha, huyện Tân Phước - 1.139ha, huyện Châu Thành - 533ha). Từ ngày 24 - 30.9, tại các địa phương này có 1.665ha lúa mới đến kỳ thu hoạch, có khả năng bị lũ đe dọa rất lớn.

Nước lũ lên nhanh, nông dân bơm nước ra khỏi ruộng cứu lúa.

Theo dự báo, mùa lũ năm 2017, đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu, Hồng Ngự có khả năng ở mức độ báo động cấp II đến báo động cấp III, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10; cụ thể tại Tân Châu từ 4m - 4,5m, tại Hồng Ngự từ 3,9m - 4,4m. Đỉnh lũ cao nhất tại khu vực nội đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp II đến báo động cấp III…

Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi Tiền Giang chỉ đạo các huyện, thị có khả năng bị lũ đe dọa lên kế hoạch gia cố đê bao; chuẩn bị vật tư để đắp các đập đầu kinh; theo dõi sát tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch hành động khi có đột biến xảy ra.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - đã yêu cầu các huyện, thị phải quan tâm đến những diện tích lúa nằm trong ô bao lững, không đảm bảo ngăn lũ. Nếu địa phương nào xảy ra tình trạng nông dân không thu hoạch được lúa thì chủ tịch UBND huyện, thị đó phải chịu trách nhiệm...

TRẦN LƯU - TUỆ ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/trang-dbscl/san-xuat-lua-van-trac-tro-564659.ldo