Sản xuất giống: 'Tử huyệt' của ngành nông nghiệp

Việt Nam được xem là một nước nông nghiệp nhưng từ nhiều năm qua, 'tử huyệt' của toàn ngành nằm ở chỗ con giống, cây giống bị phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Việc làm sao để có thể tự sản xuất giống ở trong nước đã được đề cập từ lâu, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những tham luận, tranh luận tại các hội thảo.

Thừa mà thiếu

Chẳng có quốc gia nào như Việt Nam khi có quá nhiều giống mía nhập khẩu. Ảnh: Thành Hoa

Trong hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam” do Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với CropLife Việt Nam tổ chức tại TPHCM mới đây, một vị lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng về lâu dài, nguy cơ tiềm ẩn mất thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam không nằm ở những rào cản kỹ thuật mà các quốc gia nhập khẩu dựng lên, mà chính là ở chất lượng sản phẩm suy giảm do sự thoái hóa giống. “Khó khăn cho nông sản Việt Nam trong những năm tới đã có thể dự báo ngay từ bây giờ”, vị này nói.

Trong quí 3 năm nay đã có ít nhất hai hội thảo bàn về chất lượng giống cây trồng, và như thường lệ, tiếp tục có nhiều ý kiến cảnh báo về chất lượng giống của Việt Nam.

Hiện tại, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đang cố gắng vận động chính sách để Chính phủ tiếp tục duy trì mức thuế 5% cho mặt hàng đường sau năm 2018 với lý do thêm thời gian cho các nhà máy đường chuẩn bị việc cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN (mà thực ra là với Thái Lan - một trong những nước sản xuất đường lớn của thế giới). Có thể thấy một trong những lý do khiến ngành mía đường không thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực nằm ở khâu giống.

Tại một hội thảo giới thiệu giống mía mới hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, ông Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam (SRI), thừa nhận là chẳng có quốc gia nào như Việt Nam khi có quá nhiều giống mía nhập khẩu. Có thời điểm chỉ trong ba năm mà Việt Nam nhập về khoảng 4.000 giống mía khác nhau. Điều này là đi ngược lại xu hướng chung của thế giới.

Ông Đương dẫn chứng những nước có thế mạnh về sản xuất đường chỉ tập trung vào một số giống mía chủ lực, như Thái Lan chỉ trồng 7 giống mía, Úc là 10, Trung Quốc là 8. Riêng Việt Nam là 62 giống mía nhưng lại không có giống nào là chủ lực. Chính vì vậy mà từ nhiều năm qua, chữ đường (CCS) của mía luôn ở mức dưới 10.

Tình trạng nông dân trồng nhiều loại giống khác nhau trong cùng một vụ mùa cũng được thấy ở ngành hàng lúa gạo. Theo thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi vụ ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân gieo trồng từ 160-200 giống lúa khác nhau. Chính điều này làm cho chất lượng gạo của Việt Nam thấp hơn các nước. Hệ quả là gạo Việt Nam được nhận diện là sản phẩm cho phân khúc trung bình, giá thấp và chỉ bán cho Trung Quốc, các nước trong khối ASEAN và các nước châu Phi.

Trước nay, Bộ NN&PTNT cũng như Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn có nhiều cuộc họp bàn thảo nên chọn những giống lúa nào làm chủ lực, nhưng cho đến nay vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Đơn giản vì trong hàng trăm giống lúa mà Việt Nam đang sử dụng, chưa có giống lúa nào vượt trội về chất lượng, năng suất để được chọn làm giống lúa chủ lực.

Lấy hai dẫn chứng từ ngành mía đường và lúa gạo để thấy rằng nền nông nghiệp Việt Nam có quá nhiều loại giống khác nhau nhưng lại thiếu những loại giống chủ lực cho mỗi ngành.

Hơp tác công tư là lời giải?

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp thu hút được sự chú ý của nhiều người, nhưng nhìn chung, những mô hình khởi nghiệp vẫn tập trung vào sản xuất sản phẩm và hầu như không có dự án nào tập trung cho sản xuất giống.

Theo ông Dương Hoa Xô, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM, dù trên địa bàn thành phố có nhiều viện, trường nhưng từ nhiều năm qua, hầu như không thấy xuất hiện giống mới nào được lai tạo. Còn các công ty nông nghiệp thì vẫn chủ yếu nhập giống về rồi bán lại chứ cũng chưa sản xuất, lai tạo giống. Cho nên trong số 267 giống cây trồng đang được chào bán trên thị trường chỉ có 12 giống là được nghiên cứu, lai tạo ở trong nước.

Theo ý kiến của Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Việt Nam cần xem xét, học hỏi và áp dụng các mô hình thành công từ các nước xung quanh hơn là cứ tranh luận kéo dài mà không làm gì cả! Ông Bửu chỉ thẳng vì việc đầu tư giống rất tốn kém nên doanh nghiệp chọn phương án nhập hàng rồi bán lại cho... chắc ăn; còn Nhà nước làm thì phần nhiều cũng là thua lỗ. Để giải quyết vấn đề, ông Bửu cho rằng nên đi theo hướng hợp tác công tư (PPP) - Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Đây là mô hình mà Hàn Quốc, Nhật Bản đang làm, đặc biệt là Thái Lan đã áp dụng và đã trở thành trung tâm sản xuất giống hàng đầu trong khu vực.

Ngọc Hùng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/264924/san-xuat-giong-tu-huyet-cua-nganh-nong-nghiep.html