Sản xuất gạch không nung ở Điện Biên: DN cầm cự chờ thời

i vào hoạt động từ năm 2014, nhưng đến năm 2018, nhà máy gạch không nung (GKN) xi măng cốt liệu của Cty CP Đầu tư thương mại Hưng Long (Cty Hưng Long) mới tiêu thụ lượng sản phẩm tương đương… 15% công suất. Trong khi đó, theo ước tính, để sản xuất đủ chi phí, chưa tính khấu hao dây chuyền công nghệ thì nhà máy phải hoạt động và tiêu thụ đạt từ 40 - 50% công suất.

Công trình trụ sở Cục Thuế tỉnh Điện Biên, cao 9 tầng là công trình cao nhất TP Điện Biên Phủ, sử dụng GNK Hưng Long.

DN chật vật

Ông Cao Văn Nam - Phó tổng giám đốc Cty Hưng Long cho biết, Hưng Long hoạt động trên địa bàn 2 tỉnh Điện Biên và Hòa Bình. Mặt hàng sản xuất kinh doanh chính là VLXD, gồm đá xây dựng các loại, GKN, cát nhân tạo và xi măng…

Tại Điện Biên, từ năm 2012 Hưng Long đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất đá xây dựng các loại, công suất 350 tấn/h. Đây chính là tiền đề để Hưng Long tiếp tục phát triển sản phẩm GKN cốt liệu xi măng và cát nhân tạo giai đoạn sau đó.

Nhà máy GKN của Hưng Long đầu tư tại cụm công nghiệp Na Hai, huyện Điện Biên gồm 2 dây chuyền, tổng công suất 50 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Nhà máy sản xuất 4 sản phẩm tiêu chuẩn, gồm gạch 2 lỗ, kích thước 21 x 14 x 9cm, 21 x 10 x 6cm; gạch 4 lỗ, 10 x 10 x 21cm; đặc 21 x 10 x 6cm. Sản phẩm có giá bán thấp hơn khoảng 10 - 15% so với gạch nung cùng loại. Tuy nhiên, điều này chưa đủ hấp dẫn thị trường.

Lý giải về sức tiêu thụ hạn chế của GKN tại thị trường Điện Biên, ông Nam cho biết, dù Nhà nước có chính sách bắt buộc sử dụng GKN trong các dự án đầu tư công tuy nhiên các công trình sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn ít. Đối với GKN xi măng cốt liệu, định mức đã được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn thi công, hướng dẫn nghiệm thu khiến cho GKN vào các dự án công ít nhiều còn hạn chế.

Hơn nữa, do quản lý lỏng lẻo, GKN thủ công, phi tiêu chuẩn trà trộn vào các công trình làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các nhà sản xuất GKN tiêu chuẩn.

Trong khi đó, người dân và thị trường vẫn có thói quen sử dụng gạch đất sét nung và sản phẩm gạch đất sét nung vẫn được sản xuất, tiêu thụ trên thị trường. Người dân chỉ mua và sử dụng GKN cho các công trình phụ trợ như tường rào, bờ ao. Tuy nhiên, ở phân khúc thị trường này, GKN tiêu chuẩn của các nhà sản xuất như Hưng Long cũng khó cạnh tranh về giá so với GKN làm thủ công, sản xuất trôi nổi cũng trên thị trường Điện Biên.

Ông Nam cho biết, trước đó, Hưng Long thấy GKN là sản phẩm đầy tiềm năng nên không ngần ngại đầu tư nhưng trong thực tế sản xuất kinh doanh, DN phải đối diện với nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2017, năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệu của cơ quan quản lý nhà nước, thị trường GKN trên địa bàn khởi sắc dần lên, mức tiêu thụ GKN của Hưng Long mới tăng lên được 15%. Trước đó, năm 2017, mức tiêu thụ chỉ đạt được… 8% công suất. Sở dĩ DN cầm cự được vì DN hoạt động nhiều lĩnh vực, cái nọ bù cái kia nên mới có thể duy trì hoạt động cho đến thời điểm hiện nay.

Dù vậy, Hưng Long cũng nhận định GKN là vật liệu của tương lai và có cơ hội phát triển. Để tạo điều kiện cho việc phát triển GKN trên địa bàn, Hưng Long đề xuất cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Xây dựng sớm ban hành các hành lang pháp lý để khuyến khích các chủ đầu tư, đơn vị thi công sử dụng GKN, như ban hành hướng dẫn thi công, hướng dẫn nghiệm thu…

Hưng Long cũng mong sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc quản lý sản xuất, sử dụng GKN trên địa bàn, cũng như kiểm soát việc sản xuất, tiêu thụ gạch nung thủ công.

Về phía DN, Hưng Long chủ động tiếp cận các chủ đầu tư, BQLDA, các nhà thầu thi công, để tiếp thị quảng bá sản phẩm. Hiện tại, các sản phẩm của Hưng Long đã vào được các công trình do các đối tác truyền thống, đơn vị thân thiết (đã sử dụng nhiều sản phẩm cát xây dựng, xi măng của Hưng Long…) làm chủ đầu tư.

Cty cũng có các chính sách tiếp cận công trình nhà dân như cam kết, nếu công trình sử dụng GKN làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì Cty bồi thường 100%. Với những công trình sử dụng 100% cát nhân tạo hoặc GKN, Cty áp dụng chính sách khuyến mại 30 - 40% so với báo giá thị trường và tặng quà tân gia. Cty cũng chăm sóc thợ xây dựng, những người tư vấn chủ nhà sử dụng GKN tiêu chuẩn.

Cơ quan quản lý vào cuộc quyết liệt hơn

Trước đề xuất của DN, Phó giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên Bùi Văn Luyện cho biết, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Chương trình 567. Sở đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 và lộ trình xóa lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn. Sở cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc sử dụng VLXKN vào trong công trình sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn theo đúng lộ trình. Hiện tại, tất cả các công trình sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn cấp huyện trở lên, có cơ sở sản xuất GKN đều sử dụng GKN theo quy định. Hơn thế, nhiều công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân cũng đã sử dụng GKN.

Trước hiện tượng trà trộn GKN không đủ tiêu chuẩn trong các dự án, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ông Luyện cho biết, Sở sẽ quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, vì vậy việc quản lý, giám sát còn phụ thuộc vào chính quyền các huyện, xã.

Để tăng sức hấp dẫn của sản phẩm GKN, ông Luyện cũng đề nghị các DN đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất nhằm tăng chất lượng gạch, thiết kế quy cách gạch cho phù hợp, đa dạng về mẫu mã và kích thước, tăng cường độ rỗng của sản phẩm để giảm tải trọng công trình.

Đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn, theo ông Luyện, cần có cơ chế chính sách, kinh phí hỗ trợ cơ sở sản xuất thực hiện việc ngừng hoạt động sản xuất theo lộ trình của Chính phủ và UBND tỉnh; khuyến khích chuyển sang đầu tư cơ sở sản xuất GKN.

Quý Anh

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/san-xuat-gach-khong-nung-o-dien-bien-dn-cam-cu-cho-thoi.html