Sản xuất động cơ máy bay thương mại tại Việt Nam?

Không có lý do gì để không nghĩ đến việc sẽ thiết lập một nhà máy sản xuất chuỗi động cơ máy bay tại Việt Nam trong tương lai.

Đó là phát biểu của ông Gaël Meheust, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của CFM International-công ty liên doanh giữa GE (Hoa Kỳ) và Safran (Pháp), nhà cung cấp động cơ máy bay vận chuyển thương mại hàng đầu thế giới với báo chí mới đây.

Máy bay Boeing 737 MAX sử dụng động cơ của CFM. Ảnh: TTXVN

Máy bay Boeing 737 MAX sử dụng động cơ của CFM. Ảnh: TTXVN

Cơ sở để ông Gaël Meheust khẳng định cần phải nghĩ đến việc thiết lập một nhà máy sản xuất chuỗi động cơ máy bay tại Việt Nam là do, tốc độ khách đi đường hàng không đang tăng trưởng rất nhanh cũng với nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không đang ngày càng tăng cao.

Ông Gaël Meheust đưa ra con số theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 250 triệu lượt người sử dụng đường hàng không, cao gấp ba lần so với năm 2017. Đây được coi là một trong những thị trường tiềm năng chiến lược mà CFM nhắm tới.

Trước băn khoăn về việc Việt Nam chưa có nhà sản xuất của Việt Nam được tham gia vào chuỗi cung ứng cho CFM, ông Gaël Meheust giải thích do đang làm việc với nhiều đối tác từ lâu năm và có quan hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc gắn bó với các nhà cung ứng cũ thì không có nghĩa sẽ không có thêm những đơn vị sản xuất mới.

Về cung ứng linh kiện, phụ tùng, trước mắt, CFM cũng luôn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp ở Việt Nam nếu như có thể đảm bảo chất lượng cũng như giá thành của sản phẩm.

Nhấn mạnh CFM đã đàm phán thành công về động cơ với các hãng bay nước ta, ông Gaël Meheust cho rằng, CFM bị thu hút bởi mô hình kinh doanh về thị trường Việt Nam.

Đơn cử như hãng hàng không Vietjet đang ngày càng thu hút nhiều hơn số lượng người di chuyển bằng đường hàng không do các chính sách về giá vé. Và, số lượng máy bay của hãng cũng tăng lên, điều này khiến CFM cảm thấy rất lạc quan và quan trọng khi đồng hành cùng đối tác này trong tương lai.

Trước đó cũng từng có thông tin, đối tác Việt Nam đã làm việc với hãng hàng không Boeing để cung ứng cửa cho hãng máy bay thương mại Boeing 777.

Việt Nam sản xuất cánh máy bay Boeing: Tự làm bao nhiêu?

Cụ thể, Công ty TNHH MHI Aerospace Vietnam (MHIVA), một công ty con của Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI, Nhật Bản) được coi doanh nghiệp đầu tiên đăng ký sản xuất linh kiện máy bay thương mại tại Việt Nam, cánh tà máy bay chở khách cánh đơn Boeing 737 Thế hệ mới. Việc sản xuất cánh tà máy bay đã được thực hiện tại MHIVA từ năm 2009 với sự hỗ trợ của Boeing và cho đến nay, 1.000 bộ cánh tà đã được xuất xưởng. Tháng 10/2014, MHIVA bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy mới, chuyên sản xuất cửa hành khách cho máy bay phản lực Boeing 777 tầm xa.

Đây được cho là những tin hiệu tốt mở ra tiềm năng phát triển cho ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/san-xuat-dong-co-may-bay-thuong-mai-tai-viet-nam-3370524/