Sản xuất đồ gỗ, đừng 'nhường' thị trường nội địa trị giá 3 tỉ USD cho hàng ngoại

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng, với tổng giá trị tiêu thụ sản phẩm gỗ nội địa khoảng 2-3 tỉ USD/năm, nhu cầu tiêu dùng gỗ tại thị trường Việt Nam rất lớn. Qua làm việc với ngành xây dựng, Vifores thấy rằng, mỗi năm, diện tích nhà ở xây dựng mới khoảng 70-80 triệu mét vuông. Để hoàn thiện số diện tích nhà ở này, lượng gỗ được sử dụng khoảng 2-3 triệu mét khối.

Đừng quên thị trường nội địa trị giá 2-3 tỉ USD/năm

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, lượng gỗ được sử dụng khoảng 2-3 triệu mét khối này chỉ mới là gỗ phục vụ cho xây dựng như giàn giáo, cốp pha; gỗ gắn với công trình như tủ bếp, ván sàn, cầu thang... Ngoài ra, nhu cầu các loại đồ gỗ khác như: Đồ gỗ nội thất dùng trong gia đình, đồ gỗ cho trường học, y tế, thể thao, giáo dục... cũng không hề nhỏ. “Đồ gỗ nước ngoài NK vào Việt Nam bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Vậy thì không có lý do gì lại không phát triển đồ gỗ nội địa để khai thác hết tiềm năng” - ông Nguyễn Tôn Quyền lưu ý.

Năm 2017, tổng giá trị sản xuất tiêu dùng gỗ nội địa khoảng gần 2 tỉ USD, trong đó hàng nước ngoài chiếm khoảng 200-300 triệu USD. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là sản phẩm sản xuất trong nước, tuy chiếm thị phần lớn hơn, song sức cạnh tranh thực tế kém hơn hàng ngoại nhập. Nguyên do bởi nguyên liệu kém ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã khá đơn điệu và điều đáng nói là dù mẫu mã không bằng, nhưng một số mặt hàng sản phẩm đồ gỗ nội địa lại… có giá cao hơn hàng ngoại nhập.

Để sản phẩm gỗ Việt chiều được lòng khách Việt

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, mấu chốt để thúc đẩy phát triển nghề gỗ nội địa là tập trung nâng cao sức cạnh tranh cho các DN, làng nghề sản xuất, tiêu thụ trong nước. Cần cân đối lại mặt bằng xuất khẩu - nhập khẩu bởi hầu hết các DN chủ yếu tập trung xuất khẩu. Mặt khác, do được nhiều ưu đãi về chính sách thuế (NK gỗ hay XK sản phẩm gỗ, thuế đều bằng 0%), bên cạnh đó thị trường xuất khẩu ổn định nên hầu hết DN đều chọn hướng kinh doanh này. Trái ngược với sự ưu ái cho xuất khẩu kể trên, hiện nay, các DN, đặc biệt là các làng nghề gỗ nội địa đang thiếu nhiều thứ để phát triển. Muốn phát triển đồ gỗ nội địa, Nhà nước cần xây dựng định hướng phát triển làng nghề gỗ bài bản; cần có văn bản nào định hướng về nghề gỗ nội địa. Về mặt cơ chế, chính sách cũng cần điều chỉnh, hỗ trợ nhất định, điển hình là trong lĩnh vực thuế. Ngoài ra, điểm quan trọng là Nhà nước cần có chính sách hướng dẫn, khuyến khích xây dựng hệ thống kênh phân phối, đại lý…

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - DN chế biến gỗ trong nước cũng đang gặp nhiều thách thức: Quá trình hội nhập ASEAN + 1 (Trung Quốc) đã đưa thuế nhập khẩu đồ gỗ vào Việt Nam về 0%. Điều này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh giữa đồ gỗ nhập khẩu và đồ gỗ chế biến trong nước trong thời gian tới, ảnh hưởng đến thị phần của các DN trong nước. Một thách thức nữa là về nguồn nguyên liệu sản xuất. Hằng năm, Việt Nam phải bỏ ra vài tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu gỗ. Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng lên, kéo theo giá thành sản phẩm cao hơn. Ngoài ra, các vấn đề khác như: Mặt bằng sản xuất, tiếp cận vốn ngân hàng cũng cần được quan tâm giải quyết để các DN, làng nghề có thể mua nguyên liệu, nhập công nghệ, thuê lao động… Các DN chế biến gỗ phải tăng sử dụng gỗ rừng trồng thay cho gỗ tự nhiên và tìm nguồn nguyên liệu phù hợp trong nước để giảm nhập khẩu; đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ và nghiên cứu tốt thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/san-xuat-do-go-dung-nhuong-thi-truong-noi-dia-tri-gia-3-ti-usd-cho-hang-ngoai-590243.ldo