Sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ghi nhận dấu hiệu khởi sắc rõ rệt từ đầu năm 2021 đến nay, ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn khó khăn đòi hỏi từng đơn vị cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, phải chủ động, tìm giải pháp để hồi phục sau khủng hoảng...

Dây chuyền sản xuất đèn Led của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Những tín hiệu lạc quan

Theo nhận định của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tình hình sản xuất, kinh doanh quý I-2021 khả quan hơn so với quý I-2020. Trong quý I-2021, có 68,6% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh quý I-2021 so với quý IV-2020 tốt lên và giữ ổn định (tỷ lệ tương ứng ở quý I-2020 là 58%).

Số lượng đơn đặt hàng mới và khối lượng sản xuất cũng có xu hướng tốt hơn thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới và khối lượng sản xuất quý I-2021 so với quý IV-2020 tăng và giữ ổn định tương ứng là 69,5% và 68% (tỷ lệ tương ứng ở quý I-2020 là 61,4% và 60,5%).

Theo Tổng cục Thống kê, điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.600 doanh nghiệp ngành xây dựng trong quý I-2021, có 69,5% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới quý I-2021 tăng và giữ nguyên so với quý IV-2020 (27,8% tăng và 41,7% giữ nguyên), 30,5% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm.

Dự báo số lượng đơn hàng mới quý II-2021 so với quý I-2021, 86,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (47,5% tăng và 39,1% giữ nguyên), 13,4% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Vinatex đều đã có đơn hàng đến hết tháng 4-2021. Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7 và tháng 8-2021.

Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi của dệt may Việt Nam, nhất là khi loại hàng hóa này đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng dịch Covid-19.

Tương tự, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý I-2021 tăng so với quý IV-2020 là: Sản xuất thiết bị điện 43,5%; sản xuất kim loại 36,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 38,1%…

Nhìn con số tổng quát, số liệu của Bộ Công Thương cũng đã khẳng định điều này. Theo đó, trong tháng 3-2021, chỉ số IIP ước tính tăng 22,1% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 17,1% so với tháng trước và giảm 8,6% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo lần lượt tăng 22,5% và 5,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 26,4% và 3,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,8% và tăng 8,7%.

Tính chung quý I-2021, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 8,2%.

Một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 30,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,9%; sản xuất thiết bị điện và khai thác quặng kim loại cùng tăng 12,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7,9%.

Cần sự nỗ lực, chủ động vượt khủng hoảng

Mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng nhiều doanh nghiệp nhận định, tình hình thời gian tới và cả năm 2021 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí cho biết, khó khăn lớn với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp cơ khí là đơn hàng. Do dịch bệnh nên trong năm 2020, doanh số của các doanh nghiệp ô tô đều giảm nhiều, điều này khiến cho đơn hàng của các doanh nghiệp cơ khí ít đi, trong khi đó cước phí vận chuyển tăng đã và đang tạo áp lực cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng kinh tế thế giới 2021 sẽ tích cực hơn so với năm 2020 khi các quốc gia triển khai tiêm đại trà vắc xin và thuốc đặc trị Covid-19.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, các đơn vị này, ngoài tự nỗ lực, còn cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà, chồng chéo, đẩy mạnh công tác giao dịch hành chính điện tử.

Cùng với đó, Chính phủ có những chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chuyên sâu vào các lĩnh vực riêng về xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng hay xây dựng chuyên dụng, như vậy tính chuyên môn hóa sẽ cao và năng lực cạnh tranh được nâng lên…

Thông tin thêm về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

“Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/995594/san-xuat-cong-nghiep-tren-da-phuc-hoi