Sản xuất công nghiệp hồi phục - động lực bứt phá những tháng cuối năm

Nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì, sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Bộ Công Thương cho biết, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao hơn tháng trước để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9 và tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Tín hiệu khởi sắc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, trước tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao trong tháng 10 so với cùng kỳ chủ yếu do có sự khởi sắc của các ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế; sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất kim loại; sản xuất và chế biến thực phẩm; thiết bị điện,… đưa chỉ số IIP trong 10 tháng ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm..

Sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm..

Nhìn nhận về câu chuyện gỡ khó cho sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phân tích và làm nổi rõ 2 chiều hướng khó khăn về nguồn cung và khó khăn về thị trường.

Cụ thể, ở thời điểm đầu năm, các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (như Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất.

“Những ngành hàng phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia trên, cũng là những ngành công nghiệp chủ lực hiện nay của Việt Nam gồm điện tử, dệt may, da giày-túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô...”, ông Thành chỉ rõ.

Tuy nhiên ông Thành cũng cho biết, kể từ sau tháng 3/2020 đến nay, nhờ các giải pháp tích cực của Chính phủ trong việc thông thương hàng hóa và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, cùng với đó là việc các DN tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã dần quay trở lại hoạt động nên nguồn cung nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi.

Song song với đó, các DN trong nước cũng đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải trong quy trình nhập khẩu như đường biển hoặc đường hàng không nhằm thay thế một phần cho vận tải đường bộ trong việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

“Tình trạng đứt gãy nguồn cung chỉ có tác động rõ rệt đến các ngành công nghiệp trong nước ở quý I/2020. Từ tháng 9 đến nay, các DN trong nước đã dần khắc phục được khó khăn về nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ nên sản xuất công nghiệp tháng 9 và đặc biệt trong tháng 10 đã có sự khởi sắc đáng kể”, ông Thành đánh giá.

Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng

Đánh giá thời gian qua mặc dù tốc độ tăng IIP vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, nhưng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải vẫn tin tưởng và dự báo, từ tháng 10 trở đi, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, đã tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật lại kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cho những tháng cuối năm. Qua đánh giá cho thấy, khả năng có thể đạt được ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thương mại nội địa cả năm 2020 đều tích cực hơn so với đánh giá hồi tháng 7/2020. Do đó, dự kiến IIP cả năm phấn đấu tăng khoảng 3%-4% là mức cao hơn so với đánh giá hồi tháng 7/2020 (trong khi đó kế hoạch đề ra đầu năm 2020 là 9% - 10%).

Có thể thấy, dù đã trải qua nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, tuy nhiên nếu nhìn lại tình hình sản xuất công nghiệp 10 tháng qua đã cho thấy, quá trình tái cơ cấu công nghiệp ngày càng đi vào thực chất với xu hướng chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nội ngành tiếp tục có chuyển biến.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương xác định sẽ theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng DN và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, tháo gỡ khó khăn, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng để vừa bảo đảm an ninh năng lượng vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ và tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm,… Từ đó đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, góp phần hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-xuat-cong-nghiep-hoi-phuc-dong-luc-but-pha-nhung-thang-cuoi-nam-815193.vov