Sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả: Cứ vi phạm là bị khởi tố hình sự

Ngày 7/11, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) khởi tố 2 vụ án với 2 bị can ở TP Bắc Giang và huyện Tân Yên về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đáng chú ý là giá trị, số lượng hàng hóa bị phát hiện không lớn nhưng đối tượng vi phạm đều bị khởi tố.

Sản xuất, buôn bán nhiều hay ít đều bị xử lý

Ông N.C.K, ở thôn Đông Lý, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang là một trong hai bị can bị khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả. Các mặt hàng gồm: Hướng dương, ngô nếp sấy giòn, khô bò, khô gà, bánh quẩy, bánh nhãn, một số loại thực phẩm ba miền… Ông K thu khoản lợi nhỏ, số lượng hàng hóa vi phạm không nhiều song vẫn bị khởi tố.

Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, từ tháng 4/2022, ông K đầu tư máy móc để đóng bao bì rồi mua hàng trôi nổi trên thị trường về chia nhỏ thành các túi từ vài chục gam đến vài trăm gam bao gói lại. Mỗi ngày gia đình thuê người đóng gói khoảng 60-100 túi, tiêu thụ tại các huyện như Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam,…, trừ chi phí, mỗi tháng chỉ lãi vài triệu đồng.

Vụ sản xuất, buôn bán kem Tràng Tiền giả của chủ cơ sở Thắng Ái, thôn Tân Lập, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) cũng bị Phòng Cảnh sát môi trường khởi tố ngày 7/11 vừa qua. Chủ cơ sở sản xuất khai nhận mỗi ngày làm từ 1.000-2.000 que kem, thu lời mỗi hộp (10 que) là 1.200 đồng. Có thể thấy, số tiền thu lợi không lớn nhưng các bị can đều phải trả giá đắt cho hành vi làm giả.

Trung tá Đặng Hùng Anh, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác (Phòng Cảnh sát môi trường) cho biết: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng con người nên pháp luật quy định xử lý rất nghiêm hành vi này”.

Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra nơi sản xuất kem Tràng Tiền giả tại xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên.

Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra nơi sản xuất kem Tràng Tiền giả tại xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên.

Theo Điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mọi cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm không căn cứ vào giá trị hàng hóa lớn hay nhỏ, thu lợi nhiều hay ít, khi bị cơ quan công an phát hiện đều bị khởi tố hình sự.

Đối với pháp nhân phạm tội sẽ bị xử phạt số tiền rất lớn, thấp nhất là 1 tỷ đồng, cao nhất 18 tỷ đồng, thậm chí phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự còn bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 2 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm Phòng Cảnh sát môi trường khởi tố ngày 7/11 vừa qua là minh chứng rõ nhất.

Chủ động phòng ngừa, nhận biết hàng giả

Theo Phòng Cảnh sát môi trường, để đưa được các đối tượng ra xử lý theo quy định, cán bộ, điều tra viên phải theo dõi, bám sát, nắm thời gian, phương thức hoạt động của các đối tượng nhiều tháng. Như vụ sản xuất kem Tràng Tiền giả, xưởng làm kem được bố trí sau nhà ở và chỉ có đường đi duy nhất là qua nhà. Các loại kem cơ sở này được sản xuất, bao gói rất tinh vi, nhìn giống như kem Tràng Tiền thật, nếu không để ý kiểm tra, khó phát hiện.

Một công đoạn đóng gói hàng hóa giả là thực phẩm chế biến sẵn tại hộ ông N.C.K ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Riêng cơ sở sản xuất, buôn bán hàng giả là các thực phẩm chế biến sẵn tại Tân Mỹ, gia đình ông K đã tự nhập date (thời hạn sản xuất, sử dụng) và ghi tên doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở các khu vực tỉnh ngoài, phần lớn là ở các tỉnh phía Nam.

Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường đã đi nhiều tỉnh, thành phố để kiểm tra tên, địa chỉ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ghi trên các bao bì sản phẩm mà ông K cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy, toàn bộ các tên, địa chỉ đều không tồn tại.

Ông Chu Thanh Hiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết : Việc đấu tranh, phát giác các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Thời gian qua, đơn vị hầu như ít phát hiện, xử lý được vụ nào liên quan lĩnh vực này.

Nhằm ngăn chặn vi phạm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng trên thị trường, Cục đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn tăng cường rà soát, kiểm tra, phối hợp đưa các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có lương thực, thực phẩm giả ra xử lý theo quy định.

Dịp cuối năm, việc sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ gia tăng. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người dân nên xem xét kỹ các thông tin nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì sản phẩm.

Thường các thực phẩm chính hãng được phép sản xuất, kinh doanh, phân phối trên thị trường thì bao bì đều có mã vạch sản phẩm, ghi rõ thông tin, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng. Để kiểm tra mã vạch, người dân tải phần mềm “Barcode Việt” vào điện thoại, khi nghi ngờ mặt hàng nào đó bị làm giả chỉ cần vào phần mềm quét mã vạch sẽ hiện lên đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, phân phối…

Ngoài ra, người dân cũng có thể lên Google để tra cứu thông tin về tên, mã số thuế, ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, phân phối ghi trên bao bì hàng hóa. Nếu sau khi quét mã vạch, tra cứu trên Google mà không hiện thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì không nên mua. Khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả, người dân cần thông tin ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Thùy Ninh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/394201/san-xuat-buon-ban-luong-thuc-thuc-pham-phu-gia-thuc-pham-gia-cu-vi-pham-la-bi-khoi-to-hinh-su.html