Sản xuất bí đao đá VietGAP

Với mục tiêu phát triển nông sản sạch cung ứng cho thị trường, từng bước thay đổi thói quen canh tác cũ, xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) đang khuyến khích nông dân thử nghiệm mô hình trồng bí đao đá theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình trồng bí đao đá theo hướng VietGAP của hộ gia đình chị Lê Thị Thu.

Gia đình chị Lê Thị Thu, thôn Hội Phố, xã Đông Hải, sau khi chuyển đổi trên 2.000m2 đất ruộng trồng ngô sinh khối kém hiệu quả sang trồng giống bí đao đá, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Ước tính vụ này, gia đình chị thu trên 10 tấn quả, giá trị kinh tế khoảng 50 triệu đồng, tăng gấp 2-3 lần so với trồng ngô sinh khối như trước đây.

Chị Thu vui mừng chia sẻ: Trước đây gia đình tôi trồng ngô, thu nhập cũng tạm ổn nhưng thời gian trồng kéo dài, thu hoạch vất vả. Đối với trồng bí, chỉ sau 1 tháng gieo trồng đã có thu hoạch đều đặn theo ngày. Hơn nữa, bí trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên được tiêu thụ rất tốt, do đó thu nhập đều đặn hơn mà công thu hoạch nhanh chóng hơn nhiều so với ngô.

Dự án trồng bí đao đá theo hướng VietGAP, do Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã Đông Hải triển khai từ tháng 9/2018, trên diện tích 3ha với 30 hộ gia đình tham gia, tại 2 thôn Nà Bấc và Hội Phố. Ưu điểm của giống bí đao đá là thời gian cho thu hoạch ngắn, chỉ sau khoảng 50 ngày tính từ khi gieo hạt là có thể thu hoạch liên tục 4 vụ/năm.

Theo đánh giá của Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã Đông Hải, qua 5 tháng triển khai thực hiện mô hình, bước đầu đã cho những kết quả rất khả quan. Bên cạnh ưu thế về chi phí đầu tư thấp, các hộ dân phát triển mô hình còn được đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, chính quyền địa phương đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Hoa Phong (TX Đông Triều).

Chị Phạm Thị Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Hải cho biết: Toàn bộ sản phẩm bí đao đá trồng theo hướng VietGAP đều được HTX Hoa Phong thu mua. Do vậy, các hộ dân rất yên tâm để phát triển mô hình. Qua đánh giá thị trường cho thấy, nhu cầu về nông sản sạch vẫn còn rất lớn, nên thời gian tới chúng tôi sẽ mạnh dạn triển khai phát triển mô hình thêm 10ha, riêng tháng 12/2018 đã phát triển 3ha tại thôn Làng Nhội, hiện đang tiếp tục thực hiện tại 2 thôn Hội Phố và Nà Bấc. Qua mô hình này, chúng tôi mong muốn hướng người nông dân sản xuất ra những sản phẩm rau, quả an toàn, phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, tạo thành chuỗi liên kết khép kín với sự tham gia của “4 nhà” để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, an toàn, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Xuân Thao (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201901/san-xuat-bi-dao-da-vietgap-2418521/