Sản xuất an toàn trong thời tiết phức tạp

Năm nay, mùa mưa đến muộn hơn, lượng mưa ít hơn nhưng xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài trên diện rộng. Dự báo lũ nhỏ, về muộn, mùa khô khốc liệt nhưng đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường. Do vậy, cần chủ động các phương án sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trước diễn biến thời tiết.

Khả năng lũ thấp lịch sử

Mùa mưa năm nay chẳng những đến muộn, lượng mưa ít mà diễn biến bão cũng bất thường. Tháng 8 vừa qua, dù tổng lượng mưa ghi nhận cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng nhiệt độ cao hơn từ 0,5-0,7oC. Sang tháng 9, mưa xuất hiện nhiều nhưng chủ yếu tập trung vào chiều tối nên nền nhiệt độ vẫn còn khá cao. Từ giữa tháng 9 đến nay, đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, từ nay đến ngày 10-10, thời tiết phổ biến ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn là có mây, có mưa rào, có nơi có giông.

Cần theo dõi diễn biến thời tiết để bảo vệ sản xuất

Dù xuất hiện mưa, mực nước các trạm thượng nguồn Mekong lên dần nhưng nhìn chung, mực nước cao nhất tháng 8 tại các trạm từ Kratie đến Prek Kdam (Campuchia) vẫn ở mức thấp hơn so cùng kỳ 2019 từ 0,7-1,8m, thấp hơn TBNN từ 2,2-3m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN 55%, thấp hơn năm lũ thấp lịch sử (2015) đến 35%, thấp hơn năm 2019 là 20%. Hiện tại, mực nước cao nhất ngày tại các trạm trên địa bàn An Giang vẫn ở mức thấp hơn cùng kỳ 2019 từ 0,2-2,3m. Tổng lượng nước mùa lũ tính đến thời điểm hiện tại vẫn là thấp nhất lịch sử.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, tổng lượng mưa từ tháng 9 đến tháng 12-2020 xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 5-10%, riêng tháng 11 có lượng mưa cao hơn TBNN từ 10-40%. Từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2021, khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa với tổng lượng mưa cao hơn TBNN. Đây là thời điểm chính của vụ đông xuân 2020-2021, các địa phương và nông dân cần đề phòng các đợt mưa lớn diện rộng và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ngập úng; đề phòng giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét, mưa đá xảy ra sau các đợt giảm mưa.

Bảo vệ an toàn vụ thu đông 2020

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 9 và 10-2020 vẫn ở mức thiếu hụt từ 20-35% so với TBNN, xấp xỉ năm 2019. Do vậy, dự báo lũ năm nay về muộn và không lớn, có thể xuất hiện đỉnh lũ vào nửa cuối tháng 10. Ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ cao nhất năm tại Khánh An, Châu Đốc, Tân Châu có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn báo động (BĐ) 1 (BĐ1 tại Khánh An 4,2m, Châu Đốc 3m, Tân Châu 3,5m).

Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước đỉnh lũ tại Xuân Tô, Tri Tôn có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn BĐ1 (BĐ1 tại Xuân Tô 3m, Tri Tôn 2m). Riêng vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất năm 2020 tại Chợ Mới (rạch Ông Chưởng) có khả năng ở mức cao hơn BĐ2 từ 0,05-0,15m (BĐ2 tại Chợ Mới là 2,5m); tại Long Xuyên (sông Hậu) ở mức xấp xỉ BĐ3 (2,5m). Thời gian xuất hiện vào khoảng nửa cuối tháng 10.

“Đối với khu vực tỉnh An Giang, khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây ngập lụt, úng cục bộ ở các vùng trũng thấp” - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cảnh báo. Đây là thông tin quan trọng mà các địa phương và nông dân cần lưu ý để có phương án bảo vệ tốt sản xuất vụ thu đông 2020.

Cũng theo ông Ninh, dự báo nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực NINO3.4 tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 65-70%, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài. Dưới tác động của hiện tượng La Nina, thời tiết ở nước ta sẽ có những diễn biến khá phức tạp. Thông thường, trong các năm La Nina, không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn so với TBNN. Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường và mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn so với TBNN ở khu vực miền Trung và phía Nam.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong thời kỳ mùa khô khi chịu tác động của La Nina, thường xuất hiện nhiều mưa trái mùa hơn. Dự báo từ nay đến hết năm 2020, khả năng còn khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong tháng đầu năm 2021, vẫn có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Nam Bộ, nhưng ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh An Giang.

Đỉnh lũ năm 2020 ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức thấp, các địa phương cần sớm có biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021 và chủ động cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo để đề phòng trong trường hợp diễn biến tình hình khí tượng thủy văn trở nên phức tạp hơn.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/san-xuat-an-toan-trong-thoi-tiet-phuc-tap-a285428.html