Sản vật vô giá ở miền Trung: Tất cả là của Bà!

Trầm hương được mệnh danh là hương thơm của Chúa trời, là linh hương mà 5 tôn giáo lớn trên thế giới (Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo) dùng khi hành lễ.

Trầm hương Việt Nam được đánh giá là tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, người Việt chúng ta lại đã và đang không chú trọng đúng mức thương hiệu trầm hương khi bán và ứng xử với chúng như mớ rau, con cá ngoài chợ.

Thú vị là rất nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á có trầm hương, nhưng không có nơi đâu trầm nhiều và chất lượng như ở Việt Nam. Tại Việt Nam, những nơi có núi cao rừng rậm như Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam đều có trầm hương nhưng không đâu nhiều và thơm như Khánh Hòa.

Cho nên Khánh Hòa thường được gọi là “xứ trầm hương”. Nhưng ở Khánh Hòa, trầm hương nhiều nhất là Ninh Hòa và Vạn Ninh. Và nhiều, tốt nhất là trầm hương Vạn Giã của Vạn Ninh. Chả thế mà ca dao Khánh Hòa có câu: “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/ Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”.

Trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có kỳ nam như trong ảnh (Ảnh: H.V.M).

Trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có kỳ nam như trong ảnh (Ảnh: H.V.M).

Tất cả là của Bà!

Dọc miền Trung từ Quảng Nam vào đến Phú Yên có rất nhiều truyền thuyết về trầm hương. Tuy nhiên, truyện về bà Thiên Y A Na – mẹ xứ sở ở Tháp Bà Poh Nagar (Khánh Hòa) là thú vị nhất.

Bởi theo truyền thuyết (của người Việt được cụ Phan Thanh Giản chép lại thành một bài ký và bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Quýnh khắc bia dựng phía sau tháp Poh Nagar), Bà là hóa thân từ một khúc trầm hương hoặc có liên quan đến khói trầm hương.

Và trong tâm thức người dân cũng như nhiều huyền thoại về Bà Thiên Y A Na thì trầm hương ở xứ trầm hương Khánh Hòa, tất cả là của Bà, do Bà cai quản và “điều phối” nên ai muốn có thì phải khấn xin thành khẩn.

Dù là “trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm” nhưng tìm ra được trầm hương không phải là việc dễ. Như Quách Tấn viết trong biên khảo “Xứ trầm hương”: Người Khánh Hòa, nhất là người đi địu (đi tìm trầm trên rừng), tin rằng trầm hương là của Bà Thiên Y A Na. Bà cho ai thì người ấy được. Nếu Bà không cho thì dù đứng một bên cũng không tìm thấy.

Có đôi kẻ có phước, không cố tâm đi tìm mà tự nhiên Bà cho hưởng lộc. Lại truyền rằng Bà có bốn cây trầm hương kỳ cựu trấn bốn phương: một ở Ðồng Bò trấn phía Nam; một ở Hòn Bà (Ninh Hòa) trấn phía Bắc; một ở Hòn Dữ (Diên Khánh) trấn phía Tây; một ở Suối Ngổ trấn phía Đông.

Những cây trầm này không còn lá không còn dác, mưa nắng không thể làm hư mục được. Và có chim rừng canh, cọp rắn giữ. Hễ ai trông thấy mà có ý muốn chiếm hữu thì liền bị “lính canh giữ của Bà” đánh đuổi. Bởi vậy trước khi đi tìm trầm, người đi địu phải dâng lễ cầu khấn Bà. Và trong những rừng nào có nhiều cây dó đều có miếu, có am thờ Bà do những người đi địu lập, để tiện việc cúng kính trước khi vào rừng.

Trầm hương được cả 5 tôn giáo lớn trên thế giới dùng khi hành lễ. Như kinh Coran viết “hương trầm là tình yêu của Thánh Ala”; kinh Hoa Đà viết “Đức Phật giáng xuống khi hương trầm bay lên”. Hay trầm hương là mùi của vị thần Krishna - vị thần hiện thân của tình yêu, đại diện cho tri thức của nhân loại trong Ấn Độ giáo.

Chất hương này cũng được đốt lên trong lễ tang của Chúa Jesus. Người Ai Cập cổ đại gọi trầm hương là kyphi – mùi hương linh thiêng nhất để “dụ dỗ” các vị thần đến với mình. Còn nói theo khía cạnh khoa học, trong trầm có hơn 140 chất chứa dược tính, có tác dụng chữa bệnh. Trong những chất đấy người ta còn tìm thấy chất định hương – một chất thơm rất bền vững, vô cùng lôi cuốn được ví là “hương thơm của Chúa trời”.

Trầm hương bán chung với... giày dép

Tất nhiên thứ “định hương - hương thơm của Chúa trời” hay “trầm hương Vạn Giã hương tỏa sơn lâm” ở vùng núi Khánh Hòa cùng nhiều vùng núi khác dọc miền Trung giờ đã là câu chuyện của lịch sử.

Trầm hương được bày bán ở khắp Việt Nam và cả xuất khẩu ra nước ngoài (nhiều nhất là Trung Quốc) trong mấy chục năm nay là trầm hương công nghiệp - trầm hương được hình thành từ cây dó trồng với rất nhiều thủ thuật tạo trầm của dân trong nghề. Đã thế giá cả luôn được hét trên trời, trong khi thật giả lẫn lộn và luôn là… giả nhiều hơn thật khiến khách hàng chẳng biết đâu mà lần!

Một bức tranh cổ miêu tả việc sử dụng trầm hương của người Ai Cập cổ đại (Ảnh: H.V.M).

Doanh nghiệp thực sự không đủ sức cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi lẽ, mặc dù đã có Luật Cạnh tranh nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Không ít người buôn bán trầm ở Nha Trang buôn bán chụp giật. Hàng giả, hàng nhái không chỉ bán ở Khánh Hòa mà còn xuất sang cả bên Trung Quốc và nhiều nước khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu trầm hương Khánh Hòa, trầm hương Việt Nam và thương hiệu của những người kinh doanh có tâm, bài bản.

Tệ hại hơn, người ta đang ứng xử với trầm hương kiểu như con cá, mớ rau ngoài chợ khi nhan nhản những cửa hàng, shop bán trầm hương với các mặt hàng từ trầm miếng, trầm tấm, bộ xông trầm, chuỗi hạt đeo tay và cổ, tượng phật, nhang trầm, dác trầm… được trưng bày rất tạp nham kiểu trầm lộn lẫn với đá, hàng lưu niệm, thậm chí là giày dép, túi xách và nhiều mặt hàng gia dụng khác kiểu như quầy tạp hóa.

Có rất ít nơi bày biện đúng nghĩa là một không gian tương xứng với giá trị, trị giá họ muốn bán và ý nghĩa của mặt hàng trầm - một thứ linh hương cao quý. Họ đã nhận thức sai lầm từ cả văn hóa kinh doanh lẫn văn hóa tâm linh. Nếu là người yêu và có kiến thức, hiểu biết về trầm, sẽ thấy hụt hẫng, đau đớn vô cùng nếu chẳng may bước chân vào những cửa hàng như vây.

Vẫn chỉ là khát vọng

So với các nông sản khác của Việt Nam, trầm hương không bị vướng về vấn đề mùa vụ, thời hạn sử dụng, bảo quản, lại có giá trị cao, đa mục đích sử dụng, các quốc gia khó tính như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (Dubai), Đông Bắc Á... người ta đã biết đến giá trị của trầm Việt Nam. Đây chính là lá bài thông hành để trầm hương Việt đi ra thế giới.

Có những con người còn khát vọng hướng đến xây dựng một “nền kinh tế trầm hương”. Một khái niệm còn rất lạ với số đông chúng ta những không hề xa lạ với lịch sử thông thương khi từ nghìn năm trước, trầm hương Việt Nam đã theo con đường tơ lụa đi ra với thế giới, rồi con đường tơ lụa trên biển từ hai cửa khẩu quan trọng là Hội An ở Đàng Trong và Phố Hiến ở Đàng Ngoài.

Hiện nay, ở Hoàng cung Nhật Bản đang trưng bày một khối kỳ nam có xuất xứ từ Việt Nam và được họ coi là quốc bảo.

Đáng tiếc là mọi khát vọng đã và đang bị vướng bởi yếu tố: Việt Nam đang có trong tay một sản vật vô cùng quý giá nhưng lại thiếu chính sách và hiểu biết về nó. Về mặt Nhà nước, chúng ta đã dỡ bỏ lệnh cấm khai thác trầm nhưng lại chưa hề có một chính sách cụ thể nào để phát triển trầm hương, đưa trầm hương trở thành một ngành kinh tế.

Rồi những người trồng cây dó bầu thiếu cập nhật kiến thức, không được các chuyên gia, các nhà khoa học hướng dẫn một cách bài bản cho nên vẫn làm theo kinh nghiệm tuy có vài điểm độc đáo nhưng phần lớn lạc hậu. Đã thế còn mạnh ai nấy làm. Cho nên ngành trầm ở nước ta vẫn yếu ớt so với chính giá trị thực mà mình đang có…

Theo dân gian, Trầm hương tạo thành do hương trời bay theo gió đáp vào chỗ bị thương trên cây Dó Bầu, hòa vào nhựa chảy ra từ vết thương ấy, hun đúc theo thời gian, tạo thành Trầm, chứa đựng linh khí đất trời.

Theo Dân Việt

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/san-vat-vo-gia-o-mien-trung-tat-ca-la-cua-ba-75441.html