'Sạn' trong sách giáo khoa từ việc né bản quyền?

Từ những phản ánh trong dư luận về hàng loạt 'sạn' trong sách giáo khoa Tiếng Việt, các chuyên gia cho rằng Ban soạn thảo có rất nhiều lỗi từ nhận thức đến góc nhìn.

Ban soạn thảo dùng ngôn ngữ không phù hợp

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về việc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều có nhiều “sạn”, từ ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... mà nhiều câu chuyện lại không rõ tính giáo dục.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT) bày tỏ: “Tôi thực sự rất tò mò về đề cương xây dựng chương trình của bộ sách giáo khoa của những nhà biên soạn, họ xây dựng mục tiêu, tiêu chí như thế nào mà lại đưa lọt rất nhiều “sạn” như vậy? Nếu những tiêu chí được đưa ra một cách rõ ràng và cụ thể thì không thể xảy ra tình huống này…”.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, nguyên nhân của những “hạt sạn to” kia lại không phải từ ý thức mà từ nhận thức, từ góc nhìn sai, góc nhìn áp đặt. “Ban soạn thảo lấy mình ra để soạn, lấy tư duy mình ra áp đặt, lấy ngôn ngữ của mình quen dùng ra soạn bài. Không có một góc nhìn đúng về đối tượng mình soạn sách, không có một sự thống nhất về cách dùng từ phù hợp. Thiếu kiến thức trong các trích dẫn, vơ vét ngụ ngôn, trích dẫn từ văn học nước ngoài để chốt cho được từ mới mà quên hẳn kho tàng văn học, văn hóa dân gian Việt, thiếu trách nhiệm nghiêm trọng khi đặt hai chữ “cải cách” theo ý chí chủ quan, tất cả đã xô đẩy sách Tiếng Việt 1 đi trượt ra ngoài những yêu cầu tối thiểu của một cuốn sách giáo khoa” - ông nhận định.

Chiếm hầu hết trong các bài Tập đọc của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều là những đoạn văn, bài văn được phỏng dịch từ nội dung văn học nước ngoài.

Chiếm hầu hết trong các bài Tập đọc của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều là những đoạn văn, bài văn được phỏng dịch từ nội dung văn học nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra: “Những người biên soạn thiên về kỹ thuật, áp cho được từ mới vào câu mà quên đi một điều vô cùng quan trọng: chúng ta dạy chữ, dạy kiến thức cho con trẻ không phải là cách sắp đặt chữ vào đầu, mà đưa chữ, đưa kiến thức vào đầu các con, vào tư duy các con. Muốn thế, “phương tiện” chuyên chở phải thật ngọt ngào, thật lung linh, thật lôi cuốn, để không chỉ các con nhận mặt được từ mới, mà còn là cách để các con bổ sung nhận thức mình về cảm quan, về xúc cảm, làm giàu tâm hồn, mỗi tiết học như thế nó gần gũi, thương mến, lôi cuốn và sống động, học là nhớ.

Như đã nói, chọn câu, đoạn văn, khổ thơ đưa vào sách nhằm chuyên chở từ mới cho các con là phải hết sức kỹ. Trước khi nghĩ tới từ mới, thì đoạn văn đó, khổ thơ đó phải đẹp, đẹp cả ngôn ngữ, đẹp cả nội dung, đẹp cả đạo đức. Không thể dùng những câu chữ với thứ ngôn ngữ hàng chợ, thứ ngôn ngữ bông phèng, thứ ngôn ngữ bỗ bã để chuyển tải từ mới”.

Né bản quyền nên bội thực “phỏng theo”

Trước việc chiếm hầu hết trong các bài Tập đọc của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 là những đoạn văn, bài văn được phỏng dịch từ nội dung văn học nước ngoài, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: “Mặc dù nội dung đưa vào sách giáo khoa phải đa dạng, nhưng phải có hàm lượng phù hợp. Chưa kể, truyện ngụ ngôn của La Fontaine rất nổi tiếng, và có ý nghĩa giáo dục, nhưng khi bị cắt đầu, cắt đuôi, bị chia tách thành các phần khác nhau thì sẽ trở nên ngớ ngẩn và phản cảm. Và chúng ta chỉ nên chọn những truyện nổi bật, gần gũi với văn hóa Việt Nam, và tính giáo dục thật rõ ràng để đưa vào, vì kho tàng văn học Việt Nam cũng không hề thiếu chất liệu. Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những câu chuyện, những bài viết nhẹ nhàng về kỹ năng nào đó phù hợp với lứa tuổi, để luyện từ, luyện nói, luyện đọc…”.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng băn khoăn: “Kho tàng văn hóa dân gian, thơ ca, hò vè, văn học xưa nay ở nước ta tha hồ lựa chọn, và biết bao nhiêu câu, đoạn, khổ thơ hay, hay và trong trẻo và gần gũi, tại sao lại phải lấy từ văn học nước ngoài, tại sao lại phải “phỏng theo”? Một nhà biên soạn sách phỏng theo nguyên tác một nhà văn lớn mà dễ thế sao?

Văn chương trước khi đưa ý, đưa chuyện, đưa đạo tới người xem là ngôn từ, ngôn từ không hay, ngôn từ khô khốc, vô cảm như người ta đang làm theo cách “phỏng theo” liệu lợi hay hại? Biết chữ nhưng lại biết thêm những ngôn từ xấu, ý tứ xấu thì biết chữ làm gì? Đây là cơ hội cho con trẻ không chỉ học chữ mà còn tiếp nhận văn hóa dân tộc, tại sao không làm?

Có một lý do mà tôi cho rằng các nhà soạn sách đã né bản quyền, né việc “ xin phép” tác giả khi “phỏng theo” nên mới lấy văn chương nước ngoài, mà lại là những nhà văn thiên cổ”.

Mác học thuật giáo sư, tiến sĩ chưa đủ để biên soạn sách

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng bày tỏ: “Theo tôi, tiêu chí số 1 và số 1 đối với đội ngũ biên soạn sách giáo khoa là tâm sáng. Sau đó thì phải biết lắng nghe, biết tham khảo. Có bao nhiêu sách Tiếng Việt cũ, tập đọc thế hệ trước hay như thế, sao phải bày đặt “sáng tạo” ra những bài học vừa khó khăn cho các cháu về nội dung, vừa ngô nghê về cách dùng từ, vừa ấu trĩ về trích dẫn.

Những nhà biên soạn sách trước hết và trên hết là những nhà sư phạm, có đức, có tài, có tâm, có kỹ năng sư phạm, họ hiểu rõ đối tượng của họ là ai và làm thế nào để chuyển tải kiến thức tới đối tượng đó. Những “mác” học thuật giáo sư, tiến sĩ nếu có chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ của các nhà biên soạn sách giáo khoa”.

Trước những lý giải của GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên) và GS. Trần Đình Sử (Chủ tịch hội đồng thẩm định), nhà văn Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: “Tôi thẳng thắn nói thế này, có vẻ như hội đồng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đang cùng một e-kip làm cho bằng được, làm lấy được, và dùng tên tuổi vài vị để che lấp sự ấu trĩ của mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.

Cần một Hội đồng thẩm định khác ngoài Hội đồng biên soạn, cần minh bạch, công khai hóa các công đoạn của sách giáo khoa, cần một sự giám sát mang tính pháp luật của hoạt động này, cần một sự chịu trách nhiệm pháp luật với sản phẩm đặc biệt này”.

Biên tập chọn lọc từ sách xưa

“Bài học lớn nhất và muôn thuở là sự trong sáng, là trách nhiệm với các thế hệ, đặc biệt là thế hệ mầm non bước chân vào lớp 1. Chính vì vậy, những nhà biên soạn sách giáo khoa cần thực hiện bằng trách nhiệm và trái tim của nhà sư phạm khi soạn sách chứ không phải bằng lợi ích nhóm, lợi ích bán hàng. Cần một sự tham khảo, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, đưa vào nhiều nữa những nhà giáo có kinh nghiệm, những nhà văn, những trí thức, thậm chí cả những nhóm học sinh thuộc đối tượng để học, nhằm thử nghiệm sản phẩm sách mới. Và với các em lớp 1, 2, 3, có lẽ chả cần cải cách gì hết, hãy lấy lại sách xưa, chọn lọc, biên tập phù hợp, thay đổi đôi chút về nội dung cho theo kịp cuộc sống bây giờ, để ra một bộ sách ưu Việt” - nhà văn Nguyễn Quang Vinh gợi ý.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/san-trong-sach-giao-khoa-tu-viec-ne-ban-quyen-a492748.html