Sàn thương mại điện tử: Trông chờ vào ý thức người bán

Chất lượng hàng hóa là một trong những lo ngại lớn nhất của người mua hàng trực tuyến. Mặc dù vấn đề này không hề mới, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo...

Giao hàng nhanh, miễn phí, khuyến mãi, giảm giá đã và đang là những giải pháp được các sàn thương mại điện tử (TMĐT) sử dụng để thu hút khách hàng. Nhưng chất lượng, nguồn gốc hàng hóa thì không thấy nhắc đến nhiều.

Các trang TMĐT không đầu tư cho khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa thì sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt với các rủi ro dài hạn

Hiện tại có 2 loại hình sàn TMĐT là B2B, tức các “chợ” được lập ra để thu hút người bán và người mua giao dịch như Shopee, Sendo... loại thứ 2 là B2C tức “chủ chợ” bán trực tiếp cho người tiêu dùng với Tiki, VuiVui hay Lazada... Thoạt nghĩ, có vẻ mô hình B2C dễ kiểm soát chất lượng hàng hóa hơn bởi lẽ đơn vị kinh doanh bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng thì rủi ro về chất lượng có thể được thuyên giảm. Nhưng có một thực tế là cho đến giờ cũng chưa có một sàn B2C nào có thể thuyết phục được người tiêu dùng.

Đơn cử trường hợp của Tiki, sàn TMĐT này thường cam kết mình bán hàng chính hãng, tuy nhiên người ta chú ý nhiều đến Tiki ở những chương trình khuyến mãi “khủng” và sản phẩm sách nhiều hơn, nghĩa là khâu quảng bá, chuyển tải thông điệp về chất lượng hàng hóa chưa được sắc nét. Trong khi đó, VuiVui vốn trực thuộc Thế giới di động, được đánh giá khá cao về chất lượng sản phẩm cũng như phục vụ thì quy mô còn tương đối nhỏ.

Nhưng cũng phải nói thêm, để mở rộng thị phần thì một trong những thách thức là các sàn TMĐT sẽ phải gia tăng lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, điều này sẽ gây rất nhiều trở ngại trong việc cất trữ, kho bãi, chưa kể những vấn đề liên quan đến địa lý…

Vì thế, ngay cả các sàn TMĐT B2C lớn như Amazon cũng đã tiến hành những giải pháp để triển khai song song hình thức B2B; hoặc trong nước với trường hợp của Tiki, ngoài những hàng hóa do Tiki Trading bán ra thì còn có cả những đơn vị khác cũng kết hợp với sàn này để bán sản phẩm.

Do vậy, thách thức trong việc quản lý sản phẩm của các sàn TMĐT trong thời gian tới đây sẽ tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, các giải pháp để kiểm soát chất lượng sản phẩm hiện vẫn chưa được hiệu quả, mà phải trông đợi vào ý thức của người bán. Giám đốc một sàn TMĐT B2B chia sẻ, hiện tại sàn này đã thiết lập một phần mềm để liên tục “quét” các sản phẩm được đăng tải không phù hợp.

Thực ra, các sàn đều có chính sách rất nghiêm với bên bán, nếu kinh doanh không đúng tiêu chuẩn sẽ bị khóa tài khoản. Tuy nhiên, chính các sàn này cũng cần các “shop” và người ta cũng có quyền nghi ngờ rằng, nếu làm quá gắt, sẽ không có nhiều shop đến sàn kinh doanh.

Bên cạnh đó, người bán nếu bị chặn ở chợ này, thì hoàn toàn có thể chuyển sang chợ khác để bán. Các chợ thì hiện vẫn đang cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc thu hút cả người mua lẫn người bán thông qua việc giảm hoặc miễn phí giao hàng (ship) khuyến mãi khủng. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, ngành TMĐT dù vẫn đang “hot” nhưng mức độ đào thải cũng sẽ rất cao.

Nếu các trang TMĐT không đầu tư cho khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa, tạo ra sự gắn bó với người bán, cũng như thiết lập quy chuẩn cho các đơn vị cung cấp, hoặc cho các shop tham gia chợ của mình thì sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt với các rủi ro dài hạn. Và chỉ những đơn vị nào thực sự làm ăn chân chính mới có thể giữ chân được khách hàng một cách dài lâu.

Phan Thảo

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/san-thuong-mai-dien-tu-trong-cho-vao-y-thuc-nguoi-ban-79032.html