Sẵn sàng xử lý hình sự những dự án bất động sản có dấu hiệu lừa đảo

Thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM liên tiếp xuất hiện tình trạng phân lô bán nền trái phép, cùng với đó là các đợt 'sốt ảo' giá đất tại nhiều vùng ven, gây bức xúc dư luận. Xung quanh vấn đề này, Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hoan (ảnh), Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng một số chủ đầu tư xây dựng hạ tầng trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền dự án trái phép. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này, thưa ông?

Trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng một số chủ đầu tư xây dựng hạ tầng trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền dự án trái phép. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này, thưa ông?

Các dự án phân lô tràn lan, trái phép, quảng cáo ầm ầm, thậm chí lôi kéo người dân chống lại cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, xử lý làm mất an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch và phản ánh không đúng bản chất của thị trường bất động sản. Đặc biệt đó là sự lừa dối khách hàng của chủ đầu tư. Một người dân vi phạm thì chỉ là một cá nhân vi phạm. Nhưng một vi phạm của doanh nghiệp làm ăn gian dối, hệ lụy là hàng ngàn người dân chịu khổ. Và nạn nhân là những người nghèo mua nhà xây trái phép để ở có nguy cơ bị cưỡng chế.

Mặt khác, hiện đang tồn tại kinh doanh bất động sản dưới hình thức đa cấp. Người mua đầu tư bất động sản không phải để ở mà để bán lại kiếm lời trong thời gian ngắn. Chính người tham gia trong cuộc với doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là người tham gia hệ thống kéo theo hậu quả hàng ngàn người phải gánh chịu.

Vì vậy, nhà đầu tư nên suy nghĩ lại cách làm ăn. Trong thời buổi này, cần làm ăn sao cho có văn hóa, văn minh, hiện đại và tính phục vụ phải cao, đừng kiểu “ăn xổi ở thì” như vậy. Còn người dân có nhu cầu mua đất, nhà để ở cần nắm rõ thông tin. Nhất là trong thời điểm hệ thống thông tin phát triển rất mạnh. Trong đó, cách đơn giản nhất là tìm hiểu, xem lại thông tin từ chính quyền địa phương nơi có đầy đủ thông tin pháp lý liên quan đến dự án. Đừng vội tin vào những lời quảng cáo của chủ đầu tư, cò mồi bất động sản. Như vậy sẽ tránh được tình trạng “tiền mất tật mang”.

Theo phản ánh, hiện nay tại các khu vực ngoại thành hình thành nên những đối tượng môi giới, cò đất hoành hành, tiếp tay cho những vi phạm pháp luật về quản lý đất đai. Những đối tượng này phải xử lý ra sao, thưa ông?

Chính các đầu nậu đã dẫn đến việc lôi kéo, ảnh hưởng làm mất an ninh trật tự tại địa bàn. Người mà mua lại miếng đất để xây dựng nhà, thực ra là họ nghèo nên họ mua, vì nhu cầu nhà ở là có. Họ tham gia góp phần vào tình trạng xây dựng trái phép, nhưng họ là nạn nhân. Còn những đầu nậu, những người mồi chài thì chính quyền chưa nhận diện, chưa chỉ đích danh để có hướng xử lý nghiêm. Chính vì vậy thường tạo ra những điểm nóng trên địa bàn.

Đâu có thể nào trên một địa bàn có một khoảnh đất khoảng 1 ha mà tự dưng ào ào xây dựng nhà không phép lên được. Phải có một người nào đó đứng mũi chịu sào, người đó đứng ra phân lô bán nền, hô hào quảng cáo, tổ chức lực lượng để lôi kéo người dân vào. Chính họ là người đưa người dân lương thiện vào đối diện với chính quyền nhà nước. Đó là điều mà chúng ta phải nhận diện một cách thực sự và nghiêm túc. Theo tôi, với những trường hợp đó, chúng ta phải xử lý hết sức nghiêm minh.

Trên thực tế, có nhiều dự án ngang nhiên phân lô, xây dựng hạ tầng, bán nền cho người dân, nhưng chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý nên chưa kịp thời xử lý vi phạm. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Ở một số địa phương, chính quyền đã có những bảng cấm, bảng thông báo công khai đây không phải đất của những dự án đó mà đây là đất của những công trình công cộng hay đất quy hoạch… Nhưng cũng có một bộ phận người dân không tin mà lại tin lời của cò mồi bất động sản.

Tuy nhiên, cũng có một số địa phương, trong quá trình phối hợp, có những nguyên tắc mà cơ quan quản lý chưa triển khai tới nơi tới chốn. Đơn cử, nguyên tắc phối hợp phải phát hiện kịp thời nhưng mình phát hiện lúc nào cũng chậm hơn, đặc biệt ở địa bàn xa. Nhiều khi cán bộ đi qua không biết công trình do thành phố hay địa phương cấp phép và đây là lỗ hổng trong cơ chế phối hợp. Theo đó, chúng ta cần xem xét mô hình liên kết thông tin các dự án cấp phép, dự án vi phạm, xử lý vi phạm, kết quả xử lý… Những thông tin này được truyền tải lên hệ thống từ quận, huyện, phường xã để công chức phường xã, địa chính đều tham gia. Hiện chúng ta đang tù mù.

TPHCM sẽ có những biện pháp nào nhằm xử lý những dự án, đối tượng vi phạm, thưa ông?

UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương để cảnh báo người dân cẩn trọng phát hiện và kịp thời xử lý các dự án trái phép. Bên cạnh đó, UBND cũng vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, Thanh tra TPHCM về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Sở Xây dựng TPHCM được yêu cầu phối hợp với Văn phòng Thành ủy xây dựng báo cáo tổng hợp sự chỉ đạo của cấp ủy quận, huyện, phường xã, thị trấn về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Sở cũng sẽ đưa ra dự báo tình hình thời gian tới, kiến nghị các giải pháp về chỉ đạo của các cấp và trách nhiệm của cấp ủy trong việc thực thi giải pháp quản lý về trật tự xây dựng theo đúng pháp luật.

Sắp tới, UBND TPHCM sẽ tổ chức hội nghị lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, cũng như làm rõ vai trò trách nhiệm của từng đơn vị. UBND TPHCM đã thống nhất quan điểm, đó là xử lý hình sự chủ đầu tư cố tình lừa đảo khách hàng trong giao dịch, “cấm cửa” nhà đầu tư làm ăn gian dối khi đăng ký đầu tư dự án mới… Đặc biệt, phải nhận diện và chỉ đích danh những người đầu nậu, cò đất tạo điểm nóng trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xử nghiêm tình trạng này, không để các đối tượng này tự tung tự tác, có như vậy mới giải quyết được “thực trạng nhức nhối” như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Thu Dịu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/san-sang-xu-ly-hinh-su-nhung-du-an-bat-dong-san-co-dau-hieu-lua-dao-108355.html