Sẵn sàng thực hiện EVFTA đúng lộ trình và hiệu quả

Chiều 20/5, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu, báo cáo Quốc hội thẩm tra việc phê chuẩn EVFTA, cũng như thảo luận của các Đại biểu Quốc hội, theo ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ quyết tâm triển khai EVFTA kịp thời, hiệu quả, đúng lộ trình sau khi Quốc hội phê chuẩn và EVFTA có hiệu lực.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại kỳ họp thứ 9

Báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu, cho rằng, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế quan cao, còn phải cam kết về các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa... EVFTA được thông qua, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU tiềm năng hơn 500 triệu người với GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu) thuận lợi hơn, tạo đòn bẩy để các đối tác khác ngoài EU tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam. EVFTA sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ; tăng thêm việc làm; tăng thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế...

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh đối với Việt Nam bởi hàng hóa và dịch vụ từ EU; việc thực thi các cam kết về thuận lợi thương mại, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, các vấn đề có liên quan đến người lao động... cũng là những thách thức. Do vậy, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần đánh giá thêm các tác động của EVFTA trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực liên quan đến các vấn đề kinh tế, thương mại, tăng trưởng GDP, thu ngân sách, cơ cấu ngành, thị trường, vấn đề việc làm… để dự báo xu hướng phát triển, đề ra các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, an ninh kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… Cập nhật và đánh giá cụ thể hơn các tác động tích cực và tiêu cực từ EVFTA đến các ngành, các lĩnh vực… nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho việc tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ EVFTA.

Thảo luận về phê duyệt EVFTA, nhiều đại biểu Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận và biểu dương Chính phủ về trong quá trình đàm phán đi đến ký kết EVFTA, cũng như việc vận động Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA. Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp, giúp đa dạng hóa thị trường, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam ký kết và phê chuẩn EVFTA ở thời điểm này là phù hợp, sẽ tiếp tục tạo đà cho hội nhập và hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 thông qua khai thác tiềm năng hợp tác với EU. Đặc biệt, Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm trong các cam kết quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, EVFTA có thể giúp doanh nghiệp, người dân Việt Nam tiếp cận với hàng hóa của EU với giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn, giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại vào Việt Nam. Tuy nhiên, để EVFTA phát huy hiệu quả, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cần hoàn thiện các văn bản pháp luật kịp thời cho việc triển khai EVFTA, nâng cao hiệu quả tuyên truyền EVFTA tới doanh nghiệp, các nhóm đối tượng cụ thể có liên quan. Các cơ quan Nhà nước hữu quan cần tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vưag thực hiện EVFTA dễ dàng nhất.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng, thông qua EVFTA sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để nền kinh tế, doanh nghiệp vận hành và khai thác tốt các cơ hội từ EVFTA, cần sớm ban hành các luật, văn bản hướng dẫn để thực hiện; hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể hóa các cam kết. Cần ban hành các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác và cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu của EU. Chú trọng việc tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...

Giải trình các vấn đề liên quan mà các Đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến thảo luận, phân tích, đánh giá sâu của các đại biểu Quốc hội để thực thi EVFTA tốt nhất, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thống nhất với ý kiến thảo luận của một số đại biểu Quốc hội về hiệu quả và ý nghĩa của EVFTA, đặc biệt đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thế giới và Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực, cần phải khẩn trương kích hoạt nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới, khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, chiến lược như thị trường EU. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khẳng định: Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo kiên quyết đảm bảo việc triển khai EVFTA đúng tiến độ, hiệu quả sau khi Quốc hội phê chuẩn. Chính phủ sẽ sớm xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động thực hiện EVFTA. Đến nay, các Bộ, ngành liên quan và nhiều địa phương đều đã có chương trình hành động riêng của mình sẵn sàng thực thi EVFTA ngay khi có hiệu lực.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-sang-thuc-hien-evfta-dung-lo-trinh-va-hieu-qua-137703.html