Sẵn sàng phương án di dời hàng ngàn hộ dân sống 'treo' trên Di sản Thế giới

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa thông qua Đề án di dời khoảng hơn 4.200 hộ dân thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021. Đây được coi là cuộc di dân lịch sử, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác, chỉ có cầu thang làm lối đi lên

Dự trù kinh phí 2.800 tỷ đồng

Theo đó, phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021. Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 2.800 tỷ đồng.

Trong đó, ưu tiên tập trung di dời phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ; tiếp đến là tại các di tích còn lại gồm: Hồ Tĩnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành TP Huế và di tích Trấn Bình Đài.

Ngoài ra, còn cần khoảng 1.362 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới với quy mô 73ha tại phường Hương Sơ, TP Huế để phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư đến nơi ở mới như điện, đường, các thiết bị y tế, văn hóa, giáo dục... Sau khi thực hiện việc di dời, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích, đồng thời triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở khu vực Kinh thành Huế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của tỉnh Thừa Thiên - Huế vào chiều 8/10, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17/1/2018. Khu tái định cư mới phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về hạ tầng kỹ thuật như: giải phóng mặt bằng, san nền, đường giao thông, cấp thoát nước, điện,.. và các thiết chế văn hóa y tế, giáo dục.

Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khảo sát hiện trạng sử dụng đất và đời sống của người dân để đề xuất, xây dựng cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ.

Khẩn trương hoàn thiện đề án trình Chính phủ

Nhiều năm qua di tích Kinh thành Huế ngoài việc bị xuống cấp theo thời gian do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; di tích còn bị tác động, làm hư hại bởi yếu tố con người do chiến tranh và quá trình hình thành các khu vực dân cư sống trên thượng thành, trong khu vực di tích.

Đặc biệt, trong khu vực I di tích Kinh thành Huế hiện có rất đông người dân sinh sống do di dân từ vùng nông thôn vào thành thị, di dân do chiến tranh trong giai đoạn 1945 -1975 và gia tăng dân số tự nhiên. Điều này khiến cho di tích đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Trong những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng, nguyên trạng di tích. Cụ thể, giai đoạn 1996 – 2018 đã có 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích như hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, Eo bầu phía Nam kinh thành,.. được di dời.

Song con số này là không mấy khả quan khi sự gia tăng dân số tự nhiên đang tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư và hiện nay trong khu vực I của các di tích Kinh thành Huế có hơn 4.200 hộ dân sinh sống.

Trong chuyến đi thị sát mới nhất vào tháng 9/2018, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh đã được nghe nhiều tâm tư, nguyện vọng người dân sống “treo” ở đây. Cụ thể các hộ dân ở đây đều có nhu cầu rất lớn về việc di dời đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân có mức sống rất thấp, khó có đủ khả năng làm nhà mới nếu được hỗ trợ giao đất di dời. Hiện tại, tỉnh đang tích cực tìm các giải pháp, những chính sách hỗ trợ phù hợp để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn và tỉnh cũng mong bà con nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương này.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND thành phố Huế cần khẩn trương hoàn thiện Đề án di dời giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế trình các bộ, ngành và Chính phủ phê duyệt.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/san-sang-phuong-an-di-doi-hang-ngan-ho-dan-song-treo-tren-di-san-the-gioi-417596.html