Sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ EVFTA

Là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mức độ hội nhập sâu rộng nhất từ trước đến nay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là một 'cú huých' quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Ðồng thời cũng là 'chìa khóa' để doanh nghiệp (DN) Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào một trong những thị trường lớn và tiềm năng nhất toàn cầu. Tuy nhiên, việc tận dụng được những cơ hội từ hiệp định này lại không hề đơn giản.

Là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mức độ hội nhập sâu rộng nhất từ trước đến nay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là một “cú huých” quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Ðồng thời cũng là “chìa khóa” để doanh nghiệp (DN) Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào một trong những thị trường lớn và tiềm năng nhất toàn cầu. Tuy nhiên, việc tận dụng được những cơ hội từ hiệp định này lại không hề đơn giản.

Thị trường tiềm năng

Với dân số hơn 500 triệu người, tổng GDP hơn 15 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 22% GDP toàn thế giới, Liên hiệp châu Âu (EU) là một thị trường lớn, và cũng là nhà xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất thế giới, tổng kim ngạch ngoại thương hằng năm khoảng 3.800 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mới chỉ tập trung tại một số nước như: Ðức, Pháp, Anh, Hà Lan, I-ta-li-a. Ðiều này cho thấy các DN Việt Nam còn nhiều tiềm năng, cơ hội khai thác thị trường này trong thời gian tới với thế mạnh về nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ,..., nhất là khi EVFTA có hiệu lực.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Ðình Hòe cho biết: Với mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU cam kết sẽ xóa bỏ 50% số dòng thuế (tương đương 840 dòng thuế, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 đến 22%) về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực; 50% còn lại sẽ giảm về 0% sau ba đến bảy năm. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn đang tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra, basa sang EU đã đạt 105,2 triệu USD, tăng tới 31,5% so cùng kỳ năm 2018. Với những lợi thế về thuế từ EVFTA, xuất khẩu cá tra, basa nói riêng cũng như các mặt hàng thủy sản khác và nhất là tôm sang EU chắc chắn sẽ có được “cú huých” để tăng trưởng mạnh mẽ. Ðại diện một công ty thủy sản tại Khu công nghiệp Sa Ðéc (TP Sa Ðéc, Ðồng Tháp) nhận định: Trong doanh thu xuất khẩu của công ty hiện nay khoảng 90 triệu USD/năm thì thị trường châu Âu mới chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo cơ hội cho DN xuất khẩu thâm nhập tốt hơn thị trường này. Với những lợi thế ưu đãi của EVFTA, công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang EU bởi DN phải liên tục đa dạng hóa thị trường, chứ không thể mãi tập trung vào một số nước châu Á như hiện nay.

Hoạt động trong lĩnh vực dệt may, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG (đơn vị sở hữu chuỗi thời trang TNG) Nguyễn Văn Thời chia sẻ: EVFTA là một cơ hội rất tốt cho các DN dệt may. Quan trọng là Nhà nước đã tìm thị trường cho DN, còn DN có tận dụng được cơ hội hay không lại phụ thuộc vào năng lực, khả năng của mình. Ðối với các DN có sự chuẩn bị từ trước sẽ đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mà hiệp định đề ra, cụ thể ở đây là yêu cầu từ đối tác, khách hàng đến từ EU. Còn những DN giờ mới khởi động, tất yếu phải chờ khoảng năm đến sáu năm sau mới có thể tận dụng được các cơ hội mang lại. Riêng đối với TNG, hiện công ty đang hợp tác với một khách hàng rất lớn thuộc EU, chiếm hơn 40% năng lực sản xuất của DN. Do đơn vị đã chuẩn bị được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, cho nên khi hiệp định có hiệu lực là tận dụng được ngay.

Không chỉ là mầu hồng

Theo các chuyên gia, cũng như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng sẽ có những thách thức lớn mà DN phải đối mặt. Ðó là các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng cao các hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn; DN sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng,... Do đó, để tận dụng được các lợi thế, cơ hội, vượt qua những thách thức, DN cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các thông tin về ưu đãi thuế quan, yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa,... Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ: Quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA không phải dễ đáp ứng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản. Các cam kết trong EVFTA không đồng nghĩa với “giấy phép/VISA” xuất khẩu cho các loại hàng hóa, đồng thời cũng không xóa bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm,... Ngoài ra, hội nhập sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU, chi phí sản xuất và chi phí tuân thủ các quy tắc (lao động, môi trường...) cũng sẽ tăng.

Chuyên gia về kinh tế đối ngoại Bùi Kim Thùy chia sẻ: Cùng là những FTA thế hệ mới, nhưng EVFTA có những quy định ngặt nghèo hơn cả CPTPP. Ðặc điểm của CPTPP là các thành viên còn có nhiều FTA song phương hoặc đa phương với nhau. Do đó, ngoài khả năng vận dụng các quy tắc của CPTPP, DN các nước có thể lựa chọn vận dụng quy định tại các FTA khác. Thí dụ, để xuất hàng đi Nhật Bản, DN Việt Nam có thể vận dụng CPTPP hoặc FTA Việt Nam - Nhật Bản hay thậm chí FTA ASEAN - Nhật Bản,... Nghĩa là cùng lúc DN có được nhiều sự lựa chọn vận dụng để hưởng ưu đãi thuế quan sao cho phù hợp nhất với lô hàng hay với bản thân DN. Thực tế, có mặt hàng được quy định trong hiệp định này thuế rất cao nhưng quy tắc xuất xứ lại dễ, nhưng ở hiệp định khác, quy tắc xuất xứ rất khó nhưng thuế quan lại thấp. Thế nhưng, để xuất hàng vào thị trường các nước châu Âu, DN hiện nay chỉ tuân thủ EVFTA mà không còn sự lựa chọn nào khác. Bên cạnh đó, có những ngành được quy định trong EVFTA còn khó hơn cả trong CPTPP như quy tắc xuất xứ áp dụng cho mặt hàng tôm, là ngành Việt Nam đang rất chú trọng phát triển. Do đó, EVFTA thực tế không chỉ là “mầu hồng”.

Ðánh giá về EVFTA, quyền Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðồng Tiến (Dovitec) Nguyễn Văn Hoàng cho biết, hiện nay thị trường EU chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Có thể trước mắt lượng đơn hàng và mức giá sản phẩm sẽ tăng). Thế nhưng lợi thế càng nhiều sẽ kéo theo nhiều thách thức, khi các DN nước ngoài nhòm ngó DN trong nước và sẵn sàng lôi kéo người lao động, sẽ tạo sức ép rất lớn đối với các DN dệt may trong nước. Ðiều này đòi hỏi Nhà nước phải có các cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, tạo điều kiện để DN trong nước phát triển.

EU là một thị trường khó tính và có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe. Do đó, để tận dụng hiệu quả lợi ích mà EVFTA mang lại, các DN cần nỗ lực vươn lên, định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra cũng như đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thêm nữa, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của DN bằng cách đổi mới thiết bị công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm; chủ động tiếp cận các DN EU để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ… khẳng định vị trí trên sân nhà cũng như tận dụng cơ hội vươn ra thị trường EU.

Châu Âu cũng được hưởng lợi nhiều từ EVFTA

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh trong khu vực. Ðất nước của các bạn đang là một phần của chuỗi giá trị toàn cầu, hằng năm, lượng hàng hóa xuất khẩu có trị giá lên đến 200 tỷ ơ-rô. Việt Nam cũng đã ký 16 văn bản hợp tác với nhiều nhóm kinh tế khác nhau, một con số tôi cho rằng rất ấn tượng đối với một nước châu Á đang vươn lên phát triển. Do đó, việc châu Âu muốn trở thành một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Ðây sẽ là hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng nhất từng được ký. Những ngành xuất khẩu nổi bật sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định này phải kể tới là hải sản và dệt may của Việt Nam. Ngược lại, từ phía châu Âu, là ô-tô, dược phẩm hay sản xuất rượu. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Lan và Pháp đã có được sự bảo hộ đầu tư tại Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng các nước châu Âu còn lại cũng đều mong muốn có được sự bảo hộ tương tự. Hiện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đang có khoảng 1.000 thành viên. Do vậy, khi EVFTA thực thi, một dòng vốn lớn sẽ tiếp tục đổ về đây. Tôi nghĩ hiệp định EVFTA không chỉ giúp hàng hóa EU tiếp cận dễ dàng với thị trường Việt Nam, mà đây sẽ là cánh cửa để hàng hóa EU thâm nhập với thị trường châu Á.

N.Au-đi-ơ Chủ tịch EuroCham

Cơ hội để nâng tầm giá trị hàng hóa Việt Nam

EVFTA được ví như đường cao tốc hướng tây, kết nối Việt Nam với thị trường hàng đầu thế giới là EU. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm 20% tổng kim ngạch. Khi EVFTA chính thức được ký và thực hiện, hoàn toàn có thể nâng con số này lên gấp hai lần, gấp ba. Ðiều quan trọng nhất là chất lượng dòng chảy của hàng Việt Nam, bởi xuất khẩu sang EU, hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng về giá trị, nâng được tầm giá trị của mình. Các DN đừng chỉ chú trọng vào lượng mà cần quan tâm đến giá trị của từng mặt hàng. EU là đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính, khi làm ăn với họ, DN Việt có cơ hội nâng cấp trình độ, năng lực cạnh tranh, trở thành DN hiện đại. Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại rất lớn, nhưng trong thực tế, chúng ta mới chỉ hiện thực hóa được 40% giá trị do các FTA mang lại. Mặt khác, rất khó để DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế khi chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán, ký kết trong thời gian vừa qua. Ðể tận dụng được cơ hội từ các FTA, cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng DN về các hiệp định mà Việt Nam tham gia, ký kết.

Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Uy tín thương mại, chất lượng hàng hóa phải đặt lên hàng đầu

Những tháng đầu năm, châu Âu đã trở thành thị trường nhập khẩu cá phi-lê lớn thứ hai của Việt Nam, vượt qua Mỹ. EVFTA được ký và thực hiện sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Với những điều lệ, tính pháp lý rõ ràng của EVFTA, chỉ cần DN của Việt Nam thực hiện đúng sẽ dễ dàng vào thị trường này. Trên thực tế, trước khi có EVFTA, DN xuất khẩu của Việt Nam cũng đã chiếm lĩnh được thị trường EU. Bằng chứng là số lượng hàng hóa xuất khẩu tăng thêm mỗi năm. EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ càng giúp năng lực tiếp cận thị trường châu Âu của DN Việt Nam được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cũng có không ít thách thức DN Việt Nam cần lưu tâm. Ðó là xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu phải đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta đã hội nhập thì phải thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng hóa theo yêu cầu của châu Âu, nếu không thương hiệu cá tra Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Theo tôi, uy tín thương mại, chất lượng hàng hóa phải đặt lên hàng đầu.

Dương Nghĩa Quốc Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam

VIỆT HOÀNG VÀ QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40711302-san-sang-nam-bat-co-hoi-tu-evfta.html