Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu trong bão số 3

Trước diễn biến của bão số 3 rất phức tạp, di chuyển nhanh, sáng ngày 18/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp bàn giải pháp ứng phó. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay bão số 3 giữa vịnh Bắc Bộ giữ nguyên cấp độ, gió giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 30-35km/h. Dự báo, tối nay (18/7) bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta. Vùng tâm bão sẽ vào Nghệ An – Hà Tĩnh.

Đại tá Lê Hồng Quang, Phó trưởng Phòng Phòng chống Thiên tai, Cục Cứu hộ- Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho rằng đây là cơn bão đầu tiên trong năm ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Do đó, đại diện Cục Cứu hộ- Cứu nạn đề nghị các lực lượng chức năng cần duy trì liên lạc, các trang bị dự phòng để điều hành; bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương để nắm chắc các tàu còn hoạt động trên biển; các địa phương cần phối hợp với bộ đội biên phòng các tỉnh kiên quyết sơ tán dân trên các lồng bè, các chỗ ở không an toàn; quân đội đã bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó thiên tai.

Tính đến sáng ngày 18/7, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện với 237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh hoặc không đi vào vùng nguy hiểm do bão số 3 gây ra. Cùng với đó, cần kiểm tra lại nơi tránh trú cho tàu thuyền để bảo đảm an toàn, tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra ngay tại nơi tránh trú bão. Đặc biệt, các đơn vị, chính quyền các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có tình huồng xảy ra. Đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể từng địa phương thực hiện việc cấm biển. Đối với các địa phương ven biển, các khu du lịch cần kiểm tra công tác bảo đảm an toàn do khách du lịch.

Đối với diện tích cây trồng đang bị ngập úng (theo Cục Trồng trọt hiện có khoảng 60.000 cây trồng chủ yếu là diện tích lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ bị ngập úng, nguy cơ có tới 18.000 ha lúa bị mất trắng), Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần khẩn trương tập trung tiêu úng, để cứu lúa.

Về các hồ chứa cần tổng kiểm tra, bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du. Hồ Sơn La thực hiện đóng cửa xả đáy, còn riêng hồ Hòa Bình cần tiếp tục theo dõi dự báo thời tiết, lượng mưa trong 1-2 tới mới quyết định đóng hay không đóng cửa xả đáy (hiện hồ Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy, hồ Sơn La mở 1 cửa xả đáy).

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/san-sang-luc-luong-phuong-tien-ung-cuu-trong-bao-so-3/341646.vgp