Sẵn sàng làm mọi nghề phục vụ mưu sinh để nuôi niềm đam mê hát chèo...

Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng Nghệ sĩ Vùng mỏ Phạm Ngọc Long.

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Long vào vai Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.

- Xin chúc mừng anh vừa đoạt Huy chương Vàng với vai diễn Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư trong vở chèo cùng tên tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 vừa qua. Xin anh chia sẻ đôi chút với bạn đọc về con đường gắn bó cùng sân khấu chèo của mình?

+ Tôi học lớp Sân khấu khóa I tại Trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh (nay là Trường Đại học Hạ Long - PV), sau khi ra trường về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh từ năm 1986, đến nay đã 33 năm rồi. Trước đó, gia đình tôi có 2 người là bố và chị gái cũng công tác ở Đoàn Chèo. Thời đó còn trẻ trung, diễn viên chúng tôi hăng say lắm, yêu nghề nên quên hết mọi khó khăn. Ai cũng sẵn sàng hy sinh cho nghề mình đã yêu.

Bây giờ nhìn lại, thấy lúc đó cũng có cái thuận là sân khấu đang thời hoàng kim, khán giả đón nhận nhiệt tình, nhà nước còn bao cấp các đoàn nghệ thuật, đời sống vật chất của anh em có khó khăn nhưng là khó khăn chung của cả xã hội. Chúng tôi vì thế mà yên tâm khi làm nghề, cống hiến cho khán giả từng cảnh diễn, từng vai diễn...

Cảnh diễn Trần Khánh Dư và công chúa Quỳnh Trân.

Quá trình theo nghiệp diễn, tôi thường được chọn thể hiện những vai vua chúa, quan lại. Đời diễn của tôi đã 4 lần đóng vua và đã nhiều lần đóng vai Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Đến bây giờ tôi cũng không nhớ hết mình đã đóng bao nhiêu vai diễn. Phản diện cũng có, chính diện cũng nhiều, nhưng đa số là vua quan thời phong kiến.

Trên sân khấu, dưới ánh đèn màu, mình vào vai vua chúa hoành tráng thế thôi, chứ quay về đời thường, mình lại phải đối diện với bộn bề lo toan cuộc sống thường nhật nghèo khó, với thực trạng sân khấu thoái trào, khán giả xa rời với nghệ thuật truyền thống. Những lúc như thế mình thấy hẫng hụt vô cùng.

- Chuyên đóng vua, quan, vậy lần này vào vai Trần Khánh Dư hẳn là anh có nhiều thuận lợi?

+ Quả đúng như vậy. Tôi không gặp mấy khó khăn khi thể hiện các vai diễn vua, quan nhà Trần. Quê tôi ở Chí Linh, nhà tôi sát nách đền Kiếp Bạc. Từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã được lắng nghe tiếng trống đền. Tôi lớn lên với âm hưởng tiếng trống đó. Bây giờ, không khí hội đền vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi. Công tác tại đoàn, mỗi lần nhận kịch bản, tôi đều tìm hiểu kỹ về lịch sử trước khi vào vai. Sau mỗi vai diễn, những chất liệu lịch sử ấy cứ ngấm dần vào tôi một cách tự nhiên, đến nỗi có một thanh gươm khi đóng quan quân nhà Trần tôi mang bên mình, bây giờ không còn nữa cũng làm tôi hẫng hụt, bâng khuâng. Bởi vậy, tôi có thể nói rằng ngoài đời sống thường nhật vất vả ra, tôi không gặp khó khăn gì khi thể hiện hình tượng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư cũng như nhiều nhân vật khác của triều đại nhà Trần.

Cảnh diễn Trần Khánh Dư (do diễn viên Ngọc Long vào vai) và thị nữ Quỳnh Vân.

- Xem anh vào vai Trần Khánh Dư, thấy anh dường như đang thể hiện tâm sự của chính mình vậy. Anh đã tìm được điều gì qua vai diễn Trần Khánh Dư chăng?

+ Đúng vậy, ngay khi mới đọc kịch bản, tôi đã rất thích vai diễn này. Tôi nhận ra mình ở trong vai diễn. Vì sao ư? Vì vở diễn này đi sâu khai thác đường tình duyên lận đận của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Ngài và công chúa Quỳnh Trân yêu nhau say đắm, nhưng bị cấm cản, Vua Trần đã gả công chúa Quỳnh Trân cho người khác. Khi ngài và công chúa còn qua lại, bị phát hiện và cả hai đều bị trách tội. Ngài bị đày ra trấn ải Vân Đồn, còn công chúa thì dù đã bỏ đi tu vẫn bị bắt về ép gả cho tướng giặc. Ở Vân Đồn, ngài kết duyên với thị nữ Quỳnh Vân, người mà Quỳnh Trân cử ra thay nàng, nhưng cuối cùng Quỳnh Vân đã trúng tên của giặc tử trận. Khi diễn những cảnh đó tôi đã khóc, tôi nghĩ về duyên tình của mình. Chả giấu gì anh, tôi cũng quá lận đận, từng thất bại trong tình duyên, đến khi luống tuổi rồi mới cưới được vợ (cười).

Tôi nhớ những cuộc tình duyên bất thành của mình khi diễn cảnh chia tay công chúa, diễn cảnh ôm Quỳnh Vân chết vì trúng tên. Lúc tập, thấy tôi khóc ở những lớp diễn này, đạo diễn Lê Hùng đã nhận ra ý đó, ngay lập tức ông quyết định xoáy sâu vào khai thác hơn nữa đời tư của nhân vật chính - Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Do đó, đất diễn của tôi được mở rộng hơn. Đấy cũng là lý do vở diễn không đi sâu vào những chiến công mà tập trung vào đời tư của nhân vật chính. Tôi biết ơn đạo diễn rất tinh tế, biết ơn ê kíp thực hiện vở diễn này đã tạo điều kiện cho tôi có được thành công hôm nay.

Nghệ sĩ Vùng mỏ Phạm Ngọc Long (ngoài cùng, bên trái) nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 cùng lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh và đồng nghiệp.

- Anh có dự định gì sau khi trở về từ Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 với tấm Huy chương Vàng?

+ Tấm huy chương này rất quý giá đối với tôi vì nó là điều kiện quyết định để tôi có thể làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Có lẽ, đây cũng là cơ hội cuối cùng mà tôi có được Huy chương Vàng, bởi tôi đã 50 tuổi rồi, sức khỏe không còn tốt nữa. Với nghệ sĩ, càng lớn tuổi thì giọng hát và thanh sắc cũng dần kém đi, đóng nhân vật chính càng khó đạt. Do đó, trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú tới đây, chắc chắn tôi sẽ bổ sung huy chương này vào hồ sơ.

Còn dự định tương lai thì tất nhiên tôi vẫn sẽ gắn bó với chèo dù biết rất khó khăn. Khi nào đoàn dựng vở, tôi lại tham gia, còn thường ngày, tôi vẫn đi hát cho các sân khấu rối nước để mưu sinh. Ở sân khấu rối nước, tôi vừa có thu nhập lại vừa được hát chèo, để niềm đam mê chèo không mai một. Tôi đi hát để nuôi con nhỏ, nuôi gia đình và nuôi niềm đam mê chèo từ thời tuổi trẻ. Chẳng những đi hát cho sân khấu rối nước, mà bất cứ nghề gì tôi cũng sẵn sàng làm để nuôi niềm đam mê đó.

- Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/nghe-si-vung-mo-pham-ngoc-long-san-sang-lam-moi-nghe-phuc-vu-muu-sinh-de-nuoi-niem-dam-me-hat-cheo-2458847/