Sẵn sàng kịch bản khai giảng trong điều kiện dịch bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), địa phương có thể linh động trong tổ chức khai giảng tùy vào điều kiện thực tế; thậm chí có thể khai giảng trực tuyến nếu dịch bệnh phức tạp. Đây cũng là vấn đề đã được địa phương, nhà trường tính đến và đưa vào kế hoạch.

Lễ khai giảng truyền thống có thể sẽ diễn ra bằng hình thức trực tuyến do dịch bệnh. Ảnh minh họa

Lễ khai giảng truyền thống có thể sẽ diễn ra bằng hình thức trực tuyến do dịch bệnh. Ảnh minh họa

Sẵn sàng các kịch bản

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ đầu tháng 8, Trường Tiểu học - THCS Newton Hoài Đức, Hà Nội đã chủ động xây dựng ba kịch bản khai giảng năm học mới, vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

“An toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên luôn phải được ưu tiên hàng đầu” - nhấn mạnh điều này, cô Cao Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Newton Hoài Đức cho biết: Tùy theo diễn biến của dịch bệnh và chỉ đạo của cấp trên, nhà trường sẽ sử dụng các phương án, kịch bản phù hợp. Trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện học tập để có thể thích ứng với cả ba kịch bản là khai giảng và học trực tiếp tại trường; khai giảng và học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; hoặc khai giảng và học trực tuyến hoàn toàn khi bắt đầu bước vào năm học mới.

“Dù lễ khai giảng diễn ra theo bất cứ kịch bản nào, nhà trường cũng sẽ thực hiện đầy đủ các tiến trình và nội dung cơ bản như: Nghi thức chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đón học sinh đầu cấp… để học sinh toàn trường luôn cảm nhận được sự trang trọng của buổi lễ và không khí náo nức khi bước vào năm học mới” - cô Tuyết cho hay.

Tại Trường Tiểu học Newsun (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), các phương án tổ chức khai giảng năm học mới phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh cũng đã sẵn sàng. Chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Newsun, các lớp học của trường đều có sĩ số nhỏ, phòng học và khuôn viên rộng nên bảo đảm giãn cách khi học sinh theo học tại trường. Trường hợp đầu tháng 9, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhà trường tổ chức khai giảng tại sân trường và thực hiện giãn cách học sinh khi tập trung khai giảng, học tập. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ công tác kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế như đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế.

Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chưa đến mức phải cách ly xã hội, nhà trường sẽ kết hợp tổ chức khai giảng tại sân trường và tại các lớp học, thực hiện cách giữa các lớp học với nhau. Hình ảnh sẽ được truyền trực tiếp giữa các lớp với khu vực tổ chức lễ khai giảng và đón học sinh mới tại sân trường. Học sinh vẫn có thể cảm nhận được không khí khai giảng năm học mới.
“Bên cạnh đó, trường cũng chuẩn bị nền tảng công nghệ cho phương án khai giảng và học tập hoàn toàn trực tuyến nếu học sinh không thể đến trường. Trong trường hợp này, trường tổ chức lễ khai giảng tại sân trường. Hình ảnh sẽ được truyền trực tiếp giữa nhà trường tới từng học sinh. Các nghi lễ và diễn biến trong lễ khai giảng cũng sẽ có sự tương tác của học sinh. Việc này cần sự phối hợp và đồng hành của gia đình học sinh” - TS Nguyễn Thị Thành cho hay.

Bảo đảm an toàn cho trẻ trong lễ khai giảng. Ảnh minh họa

An toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên

Trước ngày khai giảng năm học mới, các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải hoàn thành công tác chuẩn bị phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ hè. Ông Đỗ Văn Thắng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, cho biết: Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Theo đó, các trường cần phối hợp với ngành Y tế thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn và chuẩn bị đủ các điều kiện phòng, chống dịch bệnh về công tác y tế trường học cho học sinh: Chuẩn bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng; bố trí nước sát khuẩn hoặc nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng tại vị trí thuận lợi, khu vực giáo viên, học sinh thường xuyên qua lại sử dụng, nơi khách đến làm việc và có hình thức phù hợp để nhắc nhở giáo viên, nhân viên, học sinh rửa tay thường xuyên...; các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với trường có học sinh ăn bán trú). Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân, phụ huynh học sinh hiểu, đồng thuận và cùng có trách nhiệm với nhà trường, chủ động trong công tác phòng, chống dịch cho con em mình chuẩn bị cho học sinh trước khi đến trường như: Đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, bình nước uống riêng...

Liên quan đến tổ chức lễ khai giảng, theo ông Đỗ Văn Thắng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đang chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Khi có hướng dẫn của Bộ, Sở sẽ vận dụng và có các kịch bản theo tình hình thực tế dịch bệnh tại địa phương để có các điều chỉnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh. Quan điểm chung là phải bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh và giáo viên.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết: Trong điều kiện dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã tính toán các kịch bản để chuẩn bị cho năm học mới, trong đó có tổ chức lễ khai giảng. Tinh thần chung là phải bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Địa phương có thể linh động trong tổ chức khai giảng tùy vào điều kiện thực tế.

Nếu đến thời gian khai giảng, địa phương vẫn trong thời gian giãn cách xã hội hoặc dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp có thể tổ chức khai giảng trực tuyến. Lễ khai giảng tổ chức ngắn gọn, nhưng thông điệp của năm học mới vẫn đến với từng học sinh và các em được hòa chung với không khí ngày đầu năm học mới trên khắp cả nước. - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/san-sang-kich-ban-khai-giang-trong-dieu-kien-dich-benh-0uh42iHGR.html