Sẵn sàng cho năm học mới

Năm học 2018 - 2019, tổng số học sinh ở TP Hồ Chí Minh là gần 1,7 triệu, tăng hơn 67 nghìn em so với năm học 2017 – 2018. Thành phố đã nỗ lực chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng vào năm học mới 2018 - 2019…

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh thực hành tại Trung tâm nghiên cứu khoa học của trường.

Thống kê cho thấy, bậc tiểu học tăng nhiều nhất với 26.812 học sinh, kế đến là mầm non tăng 20.225 cháu, trung học cơ sở (THCS) tăng 10.406 học sinh và trung học phổ thông (THPT) tăng 9.791 học sinh. Các quận: 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi là những địa phương có số lượng học sinh tăng nhiều nhất.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, số học sinh tăng nhiều ở bậc mầm non và tiểu học tập trung tại những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Bình quân mỗi năm tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại thành phố. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, nhất là cấp tiểu học; số học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập thể dục, thể thao, thư viện… đều co hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Gia tăng học sinh dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố. Trong năm học mới 2018 - 2019, thành phố đầu tư xây mới 882 phòng học với tổng mức đầu tư khoảng 2.337 tỷ đồng, bảo đảm tất cả con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết: Do học sinh tăng nhanh cho nên nhu cầu tuyển dụng đội ngũ giáo viên năm học 2018 - 2019 cũng là vấn đề khá nan giải. Đối với các trường THPT, đã tuyển được hơn 360 giáo viên. Còn theo kế hoạch, khối mầm non cần tuyển thêm 1.522 giáo viên, tiểu học 1.752 giáo viên, THCS 1.425 giáo viên. Tổng nhu cầu tuyển dụng giáo viên và nhân viên cho ngành GD-ĐT thành phố là 5.126 người để bổ sung cho các đơn vị nhằm thay thế giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc và các trường mới thành lập đi vào hoạt động trong năm học mới.

Nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp GD-ĐT. Bên cạnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở trường lớp, trang thiết bị, ngành GD-ĐT thành phố thường xuyên chú trọng việc đổi mới, sáng tạo, năng động, mạnh dạn thí điểm nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu suất, chất lượng GD-ĐT. Năm học 2018 - 2019, thành phố đặt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, đưa thành phố trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của khu vực Đông-Nam Á trong tương lai gần.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành GD-ĐT thành phố tập trung triển khai bốn giải pháp chính. Theo đó, xây dựng được các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị dạy học thiết yếu, hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Đối với học sinh, từng bước được học tập và hoạt động cả ngày trong trường, có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm bảo đảm phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện. Có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn quốc tế để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT. Mỗi học sinh có thể chơi ít nhất một môn thể thao, có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp.

Về đội ngũ giáo viên, tiếp tục đào tạo đạt các chuẩn nghề nghiệp, có trình độ ngoại ngữ và tin học bảo đảm khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin khi thực hiện công tác giảng dạy và tiếp cận các tri thức mới. Giáo viên có hiểu biết xã hội, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất tốt, tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, là những tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo. Đối với phụ huynh học sinh, được tham gia đánh giá chất lượng nhà trường và giáo viên; xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với nhà trường và giáo viên trong giáo dục học sinh. Ngoài ra, để bảo đảm cơ sở vật chất trường lớp, tạo điều kiện cho học sinh được học trong môi trường tốt nhất, thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, bảo đảm đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi đi học…

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, ngoài việc tăng thêm phòng học thì việc phải tăng biên chế giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng biên chế này hiện đang gặp nhiều khó khăn do phải được sự chấp thuận của Bộ Nội vụ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trường học, Sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT có ý kiến với Bộ Xây dựng cho phép thành phố thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án nhằm giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung…

Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn từng bậc học hiện nay ở TP Hồ Chí Minh: Mầm non 62%; tiểu học 96,7%; THCS 85,3%; THPT 19,4%; giáo dục thường xuyên 15,93%. Năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT thành phố tổ chức đào tạo 100 giáo viên tiểu học đạt chuẩn quốc tế do tổ chức Pearson Education (Vương quốc Anh) công nhận về kỹ năng, kiến thức và phương pháp giảng dạy các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh trong các trường tiểu học. Hiện, các giáo viên đã hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn chuẩn hóa tiếng Anh theo chuẩn quốc tế) và chuyển sang giai đoạn 2 (chuyên sâu về học thuật).

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37335002-san-sang-cho-nam-hoc-moi.html