Sẵn sàng cho mùa vụ mới

Ngay từ những ngày đầu năm, các cấp, ngành, đặc biệt là Hội nông dân (HND) đã tích cực tuyên truyền, xây dựng kế hoạch. Cũng như thực hiện đa dạng các biện pháp hỗ trợ, chuẩn bị tốt nhất các phương án đồng hành cùng nông dân trong mùa vụ mới.

Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại. Ảnh: Phạm Tăng

Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại. Ảnh: Phạm Tăng

Ổn định tình hình sản xuất

Tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, những ngày qua, các hộ nuôi tôm trong tỉnh đã cải tạo ao đầm, mua con giống để xuống giống đúng lịch thời vụ. Năm 2019, nhiều hộ nuôi tôm ở Đầm Hà chăn nuôi tốt, sản lượng tôm đạt gần 1.000 tấn, giá tăng, tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân hy vọng có một vụ tôm mới bội thu.

Ông Vũ Văn Tuấn (thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) chia sẻ: Từ năm 2019, vụ tôm của gia đình tôi sử dụng giống Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đóng ngay trên địa bàn, nên giá thành rất tốt, chất lượng con giống đảm bảo. Nhờ vậy, tỷ lệ tôm sống cao, phát triển đều, cho thu hoạch từ 3-4 tấn. Để chuẩn bị cho vụ tôm mới, gia đình tôi đã hoàn thành việc thau rửa ao đầm, tiếp tục lựa chọn giống tôm của địa phương để nuôi thả. Đồng thời, chuẩn bị một số phương án phòng chống dịch bệnh trên tôm, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trồng trong và ngoài tỉnh, phấn đấu đạt sản lượng tôm cao nhất.

Được biết, theo quy hoạch, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện Đầm Hà đến năm 2025 là 1.000ha. Đến nay, địa phương đã đưa vào nuôi 320ha với 1.000 hộ nuôi, tập trung ở 4 xã là Đầm Hà, Đại Bình, Tân Lập, Tân Bình và thị trấn Đầm Hà.

Ông Triệu Quý Bảo (thôn Pắc Cáy, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) chăm sóc vườn ổi chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới.

Không chỉ trong lĩnh vực thủy sản, mùa xuân là thời điểm hàng loạt cây nông nghiệp xuống giống, là một trong những giai đoạn quyết định đến năng suất cây trồng. Như ở huyện Bình Liêu, ngay từ cuối năm 2019, huyện đã tăng cường khuyến khích bà con mạnh dạn áp dụng, chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, đồng thời, áp dụng nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, một số cây trồng có lợi thế, tiềm năng để ưu tiên chuyển đổi đang được nông dân hăng hái thực hiện như: Cây dong riềng, cây sở, dược liệu, hoa màu, na, giống lúa bao thai... Qua đó, tạo ra sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị và năng suất canh tác từng bước cải thiện thu nhập cho người dân. Thời điểm này, nông dân huyện Bình Liêu đã hoàn thành việc gieo mạ, hệ thống kênh mương cung cấp nước được các ngành và địa phương chuẩn bị sẵn sàng. Cùng với đó, nhiều thôn tích cực thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh" để chủ động phát quang đồng ruộng, vệ sinh chuồng trại, sẵn sàng cho vụ sản xuất mới.

Theo ông Phạm Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ninh dự báo vụ Xuân 2020 sản xuất nông nghiệp tỉnh có thể sẽ chịu ảnh hưởng của 7-9 đợt không khí lạnh, trong đó có 1-2 đợt rét đậm, rét hại và lượng mưa phổ biến của các tháng sẽ thấp hơn phổ biến trung bình của nhiều năm. Điều đó có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, nông dân cần thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây, con để có các phương án ứng phó kịp thời.

Hỗ trợ tối đa cho nông dân

Năm 2020, HND tỉnh đặt mục tiêu 100% Hội cấp huyện tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Trong đó, ít nhất 70% hội viên nông dân được tiếp cận kiến thức cần thiết về kỹ năng, thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế, với số lượng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi ngày càng tăng, việc mở các lớp đào tạo nông nghiệp theo chuyên đề giúp nông dân tự tin hơn khi xử lý, ứng phó tình hình dịch bệnh. Đồng thời, nâng cao kỹ năng nuôi trồng, ứng dụng các kiến thức vào thực tiễn sản xuất.

Mô hình tặng bò sinh sản của HND tỉnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. (Trong ảnh: HND tỉnh trao tặng bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo của xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tháng 7 năm 2019)

Ngoài ra, HND các cấp cũng tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp bảo lãnh cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp có chất lượng cao... theo phương thức trả chậm gắn với chuyển giao kỹ thuật, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất; duy trì, nhân rộng các mô hình đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, thời gian tới, Hội sẽ củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa nông sản. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả trên địa bàn để nông dân học tập và làm theo. Đặc biệt, tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế thông qua các nguồn vốn, quỹ.

Trong đó, HND cấp huyện cũng định hướng xây dựng mới ít nhất 1 mô hình liên kết sản xuất gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, tăng trưởng dư nợ với các ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa thiết thực với nông dân. Bởi lẽ, đây chính là “lời giải” cho “bài toán” thiếu vốn của nông dân, giúp các hộ dân mở rộng quy mô, sản xuất tập trung.

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/san-sang-cho-mua-vu-moi-2470805/