Sẵn sàng các giải pháp ứng phó với thiên tai tại khu vực miền núi phía Bắc

Những tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây ra những thiệt hại ban đầu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong những tháng tiếp theo, dự báo tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đòi hỏi các địa phương trong khu vực cần sẵn sàng các giải pháp để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

 Trong những tháng tiếp theo của năm 2021, dự báo tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh minh họa: HNV)

Trong những tháng tiếp theo của năm 2021, dự báo tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh minh họa: HNV)

Nhiều khó khăn nội tại trong khi thiên tai diễn biến khốc liệt

Những tháng đầu năm 2021, trong khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá. Đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể, những tháng đầu năm 2021 ghi nhận trong khu vực đã xảy ra 8 trận mưa đá, dông lốc, sét; 4 trận động đất; 3 đợt rét đậm, rét hại; 2 trận lũ ống, lũ quét.

Thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020, đây cũng là khu vực có mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, vượt quá khả năng dự báo, tính toán của cơ quan phòng chống thiên tai đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.

Thực tế cho thấy, thiên tai diễn ra thường xuyên tại khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, đây cũng là khu vực công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn khi nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn khá hạn chế. Việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về thiên tai đối với người dân ở những nơi có nguy cơ cao nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên, kịp thời.

Một điểm đáng chú ý nữa, đây cũng là khu vực dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn. Còn nhiều hộ dân, người dân sống ở những nơi có nguy cơ mất an toàn chưa được bố trí di dời do thiếu quỹ đất và nguồn lực tài chính. Cùng với đó, với đồng bào các dân tộc vùng cao thường có thói quen tập tục sinh sống ven sông suối, trên đất dốc, là những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Trong khi đó, công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai tuy đã có những bước cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là dự báo, cảnh báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và mưa cực đoan trong phạm vi hẹp.

Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng phòng chống thiên tai trong khu vực còn thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế. Một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai và khi xảy ra thiên tai dễ bị chia cắt, cô lập; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn. Thực tế trong khu vực còn thiếu phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, tiếp cận hiện trường cung cấp thông tin cũng như triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

Mặt khác, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp còn hạn chế cả về tổ chức, lực lượng và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là ở cấp cơ sở còn thiếu kiến thức, kỹ năng do chưa được đào tạo, tập huấn. Nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai đã được quan tâm đầu tư nhưng so với yêu cầu thực tiễn đặt ra còn rất hạn chế.

Sẵn sàng các giải pháp ứng phó

Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, tình hình thời tiết, thiên tai trong khu vực miền núi phía Bắc những tháng còn lại của năm 2021 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong đó, các tháng 4, 5 và 8, 9 lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20%. Mưa lớn trong khu vực tập trung từ tháng tháng 6 đến tháng 9, khả năng xảy ra mưa lớn cục bộ thời gian ngắn.

Về lũ, ngập lụt, đỉnh lũ trên các lưu vực sông trong khu vực phổ biến ở mức báo động 1- báo động 2, thượng lưu sông Thao ở mức báo động 2- báo động 3, các đợt lũ lớn tập trung vào các tháng 8, 9. Đỉnh lũ lớn nhất năm đến các hồ chứa trong khu vực ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong khu vực và có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Đáng chú ý,dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trong năm 2021 tương đương trung bình nhiều năm (khoảng 12-14 cơn hoạt động trên Biển Đông và 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta). Hoàn lưu sau bão, áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng gây mưa lớn cho khu vực.

Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng lưu ý, với diễn biến cực đoan của thiên tai trong những năm gần đây, đề phòng tình huống mưa lớn cực đoan như tại Quảng Ninh năm 2015 (mưa gần 1.600mm/đợt), mưa tại lòng hồ Hòa Bình tháng 10/2017; lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng như tại Mường La, tỉnh Sơn La, Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái và Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình năm 2017; tại Mường Lát và Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa năm 2018, 2019,…

Trước những nhận định, dự báo trên, để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cần sớm hoàn thành việc kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đặc biệt là các địa phương có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo ở nhiệm kỳ mới, nhất là ở cấp huyện, xã. Xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đi cùng với đó, cần quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo điều hành cho Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp.

Đáng chú ý, để đảm bảo an toàn cho người dân, các địa phương trong khu vực cần chú trọng phương án di dời, sơ tán tại các khu dân cư ven sông, suối; khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Triển khai tổ chức kiểm tra an toàn nơi ở của người dân ở những nơi nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở đất; các khe, suối; các đập tạm, cống qua đường giao thông, hồ ao nuôi trồng thủy sản phía trên khu dân cư để kịp thời phát hiện xử lý vật cản trên các dòng chảy, tránh gây tắc nghẽn tạo lũ ống, lũ quét. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để triển khai ứng phó khi có tình huống để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.

Và một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng đó là cần tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã tập huấn kiến thức, kỹ năng cho lực lượng này. Đây chính là lực lượng ngay từ giờ đầu phản ứng nhanh với những sự cố đang diễn ra để hỗ trợ giúp người dân và chính quyền địa phương ứng phó với thiên tai.

Đi cùng với các giải pháp trên, các địa phương trong khu vực cần chỉ đạo công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập nhỏ, xung yếu trước mùa mưa lũ. Phát hiện, xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố và xây dựng, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình cũng như khu vực hạ du, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.

Thứ nữa, cần ưu tiên bố trí nguồn ngân sách của địa phương, quỹ Phòng chống thiên tai cho các hoạt động phòng, chống thiên tai, nhất là thông tin về tình hình thiên tai, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030, gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí Chủ động phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/san-sang-cac-giai-phap-ung-pho-voi-thien-tai-tai-khu-vuc-mien-nui-phia-bac-579520.html