Sẵn sàng các giải pháp 'số hóa' nghiệp vụ của ngành Tài chính

Phát huy những kết quả trong cải cách hiện đại hóa thời gian qua, tới đây, để triển khai mục tiêu Chính phủ đã đặt ra, ngành Tài chính đã sẵn sàng các giải pháp để nâng cao hơn nữa hoạt động này, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Trong tương lai, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sẽ được ngành Tài chính điện tử hóa. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn. Ảnh T.ANH

Trong tương lai, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sẽ được ngành Tài chính điện tử hóa. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn. Ảnh T.ANH

Nỗ lực hiện đại hóa

Trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: Quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu-chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu Chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước....

Đơn cử với ngành Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho hay, đến nay, đơn vị này đã cung cấp 172/192 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 90% tổng số thủ tục hành chính triển khai tại 100% chi cục hải quan và cục hải quan tỉnh, thành phố. Trong số đó có 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thanh toán thuế, phí, lệ phí và trả kết quả hoàn toàn thông qua mạng internet. Các thủ tục hành chính cốt lõi như thông quan hàng hóa, thu thuế XNK đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là mức độ cáo nhất theo phân loại của Bộ Thông tin Truyền thông. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2019, cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý 99,39% tờ khai hải quan điện tử với kim ngạch xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử đạt 336,99 tỷ USD. Cùng với đó, số tiền thuế, phí thu bằng phương thức điện tử chiếm tỷ lệ 94% số thu của Tổng cục Hải quan.

Tương tự, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Tính đến tháng 8/2019, tổng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế là 304 thủ tục hành chính. Trong đó, số dịch vụ mức 2 là 171 DVCTT, mức 3 là 15 DVCTT, mức 4 là 118 DVCTT. Hệ thống khai thuế điện tử được triển khai tại 63/63 Cục Thuế các tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến hết tháng 8/2019, có 99,8% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Đơn vị cũng đã phối hợp với 50 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến hết tháng 8/2019, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 99,56% số doanh nghiệp đang hoạt động. Hệ thống hoàn thuế điện tử được mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số doanh nghiệp tham gia đạt tới 94,03%.

Đó là những con số cụ thể nhất để minh chứng cho những nỗ lực “số hóa” các hoạt động nghiệp vụ của ngành Tài chính.

Lượng hóa các chỉ tiêu

Đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Triển khai Nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 844/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025, trong đó có nhiều tiêu chí được lượng hóa.

Theo đó, giai đoạn 2019 – 2020, hoàn thiện khung pháp lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tăng cường thuê dịch vụ CNTT tại Bộ Tài chính; ban hành các văn bản quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành Tài chính, các quy định, quy chế về quản lý, vận hành các hệ thống CNTT ngành Tài chính. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính. Sang giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Tài chính sẽ tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng,...

Những chỉ tiêu nói trên là một cái “đích” rất cụ thể, không thể không làm. Để làm được Bộ Tài chính cũng đã có định hướng. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, ngành Tài chính đang nhanh chóng tiếp cận và nắm vai trò chủ động, kiến tạo, đi đầu trong nền kinh tế số của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Tài chính cần thường xuyên rà soát các chính sách về tài chính, ngân sách nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ mới trong kỷ nguyên kinh tế số, xã hội số.

Xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chia sẻ một số giải pháp. Trong đó, đáng chú ý có việc triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các hệ thống ứng dụng cốt lõi và hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ ngành Tài chính, ưu tiên các ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất hiệu quả công việc.

Cùng với đó là hiện đại hóa hạ tầng CNTT trong ngành theo các công nghệ hiện đại phù hợp với yêu cầu triển khai trong từng giai đoạn song song với đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động của các hệ thống thông tin ngành Tài chính trên các phương diện thể chế, phương án kỹ thuật và quản lý vận hành; đổi mới công tác quản lý đầu tư, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phát triển nguồn nhân lực CNTT ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa Ngành.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính nhằm mục tiêu quy hoạch, xây dựng, phát triển các thành phần thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính trong một chỉnh thể thống nhất. Theo ông Hoàng Xuân Nam – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, đây là dự án trọng điểm, dài hạn của Bộ Tài chính. Qua từng giai đoạn kiến trúc quản trị và phân tích dữ liệu sẽ được nâng tầm hỗ trợ tự động hóa từng bước quá trình ra quyết định và xử lý tình huống khi phát sinh thêm những luồng dữ liệu mới đồng thời vẫn đảm bảo khả năng mở rộng tính năng và kiểm soát đối với mô hình kiến trúc.

Những giải pháp đó đang được kỳ vọng sẽ giúp ngành Tài chính tiếp tục duy trì vị trí “tiên phong” trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử hiện nay.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/san-sang-cac-giai-phap-so-hoa-nghiep-vu-cua-nganh-tai-chinh-112602-112602.html