Sẵn sàng bắt nhịp trở lại

Dịch bệnh bùng phát trở lại từ hơn một tháng qua khiến thể thao quay về tình trạng 'phong tỏa', các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp phải tạm dừng hoặc hủy.

Dịch bệnh bùng phát trở lại từ hơn một tháng qua khiến thể thao quay về tình trạng “phong tỏa”, các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp phải tạm dừng hoặc hủy.

Dù vậy, hầu hết các đội tuyển quốc gia của khoảng 27 môn thể thao, trong đó có cả các đội đã tập trung vẫn tiếp tục triển khai các kế hoạch tập luyện trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế và các địa phương. Điều này cho thấy sự chủ động, tích cực đầu tư cho tập luyện theo phương châm “gươm có mài mới sắc” chứ không cam chịu để vận động viên ngồi chờ mòn mỏi, ảnh hưởng đến trình độ chuyên môn. Các biện pháp phòng dịch cũng tác động khá tiêu cực đến hoạt động của ngành thể thao, đến đời sống các vận động viên, gây ra nhiều biến động không chỉ về chuyên môn mà cả về thu nhập và nguồn kinh phí hoạt động, tài trợ. Thể hiện rõ nhất là với sự xáo trộn trong công tác tổ chức V.League 1-2020 khi có câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp đề nghị hủy giải, thậm chí định bỏ giải với lý do kinh phí khó khăn. Ở các bộ môn thể thao khác, các vận động viên đỉnh cao còn có thêm nguồn thu nhập hằng năm là phần thưởng ở các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Nguồn thu nhập này gần như đã dừng lại từ đầu năm đến nay do buộc phải hoãn các giải thể thao quốc tế, trong khi giải đấu trong nước cũng mới tổ chức được rất ít.

Sau những trở ngại ban đầu, cho đến nay, các khó khăn rồi cũng được giải quyết ổn thỏa. Hiện chưa có câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp hoặc đơn vị chủ quản ở các bộ môn thể thao khác tuyên bố giảm lương của các cầu thủ, vận động viên và họ vẫn tập trung tập luyện bình thường. Tất nhiên, nếu so với bình thường thì việc chỉ tập luyện mà không được thi đấu đã khiến các cầu thủ giảm thu nhập đáng kể vì không có tiền thưởng cho các trận thắng, đồng thời tiền thưởng theo thành tích giai đoạn (kết thúc lượt đi) cũng không có. Phần lớn các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp khác cũng đang áp dụng hình thức trả lương theo kiểu này và mức lương của các cầu thủ được hưởng khoảng từ 10 đến 50 triệu đồng/tháng, các cầu thủ nước ngoài nhận lương khoảng 7.000 USD/tháng. Để động viên các cầu thủ tích cực tập luyện chuẩn bị cho các trận đấu sau đợt tạm dừng, nhiều câu lạc bộ đã treo thưởng khá lớn, thậm chí cao hơn tiền lương nếu đạt thành tích tốt theo từng trận, từng giai đoạn hoặc cả mùa bóng.

Có thể thấy vấn đề mà các cầu thủ lo ngại nhất là thu nhập và phong độ thi đấu. Trước những lo lắng này, lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giao tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp đang cố gắng tối đa để giải đấu được tiếp tục. Đây không chỉ là mong đợi của cầu thủ mà cũng là mong đợi chung của vận động viên ở các môn thể thao khác.

Theo kế hoạch, năm 2020, Tổng cục Thể dục - Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức tập trung khá nhiều vận động viên lên đội tuyển quốc gia nhằm chuẩn bị cho vòng loại Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020 tại Nhật Bản và SEA Games 31 vào năm 2021 ở nước ta. Từ đầu năm đến nay và ở thời điểm hiện tại, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ở Nhổn (Hà Nội) thường xuyên tập trung khoảng 700 vận động viên của 25 đến 27 đội tuyển thể thao (riêng các đội tuyển bóng đá thường tập trung ngắn hạn) để tập luyện chuẩn bị. Cuối tháng 7 vừa qua, Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng đã chỉ đạo triển khai bảy biện pháp tích cực phòng, chống đến từng bộ môn, trung tâm huấn luyện và các địa phương. Các trung tâm thể thao hiện đều áp dụng chế độ hạn chế tối đa người ra, vào, cấm trại tuyệt đối, nhất là ở các địa phương có dịch để tập trung vào tập luyện. Những biện pháp này đã mang lại hiệu quả, giúp các vận động viên được tập huấn ở đội tuyển quốc gia vẫn giữ được phong độ và khi trở về thi đấu cho địa phương ở các giải đấu sẽ phát huy được trình độ, duy trì được thành tích đỉnh cao. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tổ chức nhiều giải thể thao thành tích cao nếu tình hình dịch Covid-19 không diễn biến phức tạp. Hiện, các bộ môn nên tăng cường đổi mới giáo án, ứng dụng công nghệ trực tuyến để vận động viên tập luyện theo hướng dẫn, giám sát của các chuyên gia.

Tin rằng ngành thể thao sẽ làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn sức khỏe và tâm lý vận động viên, thực hiện đợt “rèn quân” kỹ càng, sẵn sàng bắt nhịp trở lại các giải đấu trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

TIẾN MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dien-dan/san-sang-bat-nhip-tro-lai-615710/