Săn phù thủy thời hiện đại

Ở các nước phương Tây, trẻ em thường được nghe kể về vụ án Salem khiến 19 người bị hành quyết vì bị coi là phù thủy. Khi xã hội phát triển, tưởng như những vụ xét xử như thế này sẽ không còn, nhưng thực tế, việc săn lùng phù thủy vẫn rất phổ biến ở châu Phi và một số quốc gia khác.

Những kẻ bị quên lãng ở Ghana

Trên khắp khu vực cận Sahara của châu Phi, việc săn lùng và thanh trừng phù thủy vẫn tiếp tục. Đây không chỉ là một thực trạng khá phổ biến, mà quy mô của các hoạt động này mang tính chất nghiêm trọng, khiến hàng ngàn người trở thành nạn nhân của những lời buộc tội về phép thuật.

Giống như vụ xét xử những người bị coi là phù thủy ở Salem, bang Massachusetts (Mỹ) hồi thế kỷ 17, đôi khi người Ghana thời hiện đại sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng cách buộc tội ai đó là phù thủy. Một lời buộc tội có thể là tất cả những gì cần thiết để loại bỏ một đối thủ tiềm năng, và nó xảy ra khá thường xuyên ở Ghana.

Khi những cuộc săn lùng phù thủy trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhiều dân thường, đồng thời ăn sâu vào nhận thức của đa số người dân trong nước, quốc gia này đã thiết lập tám khu bảo vệ các nạn nhân / tù nhân của các cuộc săn phù thủy. Một số các khu bảo vệ này có hàng trăm năm tuổi.

Năm 2014, một báo cáo thống kê rằng có tới hơn 1.100 người mòn mỏi trong các nhà tù / khu bảo tồn tạm thời trên khắp Ghana. Họ là nạn nhân của những vụ săn lùng khác nhau trên khắp miền Bắc và Nam của đất nước cận Sahara này, bị săn đuổi bởi những kẻ cuồng loạn, bị buộc tội và ép cung là các phù thủy, vì những mục đích khác nhau. Thông thường, những người này đều bị giết. Chỉ có một số ít người tìm đến các khu bảo vệ để sống cuộc sống như những kẻ bị quên lãng.

Săn phù thủy có tổ chức ở Gambia

Theo lệnh của Tổng thống Gambia, ông Yahya Jammeh, vào tháng 3 năm 2009, một nhóm “thợ săn phù thủy” của chính phủ đã vây bắt khoảng 1.000 người dân. Họ bị đưa đến các trung tâm giam giữ bí mật của chính phủ và bị ép uống một chất gây ảo giác không xác định.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, rất nhiều người trong số những người bị ép uống các loại thảo dược độc này đã bị tiêu chảy và nôn mửa ngay lập tức. Những người này bị giam giữ trong khoảng thời gian năm ngày, bao gồm cả thanh niên nam nữ cũng như người già. May mắn thay, trong số 1.000 người bị bắt và bị tra tấn, chỉ có hai người bị khuất phục trước bạo lực. Nhưng sự kiện này cho thấy vi phạm nhân quyền là một vấn đề nghiêm trọng ở đất nước này.

Vụ việc đã được báo cáo thông qua Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhưng đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Jammeh ra lệnh hoặc làm điều gì đó gây tranh cãi. Năm 2007, ông tuyên bố đã tìm ra một loại thảo dược chữa khỏi HIV và ra lệnh xử tử bất kỳ người đồng tính nào được tìm thấy ở Gambia.

(Còn tiếp)

Nano

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/san-phu-thuy-thoi-hien-dai-3981500-b.html