Sản phụ sắp sinh bị tài xế đuổi xuống xe: Khó xử lý hình sự tài xế

Dư luận đang vô cùng phẫn nộ với hành động đuổi người phụ nữ mang thai sắp sinh xuống xe vì sợ xui xẻo của tài xế ở Bù Đăng, Bình Phước. Vậy, với hành động vô nhân tính như vậy tài xế có bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV Kiến Thức dưới góc độ pháp lý xung quanh vụ việc sản phụ sắp sinh bị tài xế đuổi xuống xe ở Bình Phước gây xôn xao dư luận, luật sư Đặng Văn Cường – Văn Phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Có thể nói rằng hành động của lái xe taxi trong trường hợp này là vô cùng nhẫn tâm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hình ảnh thai phụ sinh non ngay vệ đường.

Hình ảnh thai phụ sinh non ngay vệ đường.

Luật sư Cường nói: "Các cụ xưa có câu, "người chửa cửa mả" để nói đến tính chất nguy hiểm, hoàn cảnh nguy hiểm của người phụ nữ mang thai. Người nào mang thai hoặc có người thân trong gia đình mang thai mới cảm nhận hết được cảm giác hồi hộp trong quá trình mang thai và sinh con, chỉ đến khi nào sinh con an toàn, "mẹ tròn, con vuông" thì thai phụ và người thân trong gia đình mới cảm thấy yên tâm.

Việc giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn là đạo đức con người, là tình người. Bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc, mà trong một số trường hợp cứu giúp người bị nạn còn là trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ công dân khi thấy người khác đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu người nào có khả năng cứu giúp, nhưng cố ý không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến người đó tử vong thì người không cứu giúp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật."

Phân tích cụ thể vụ việc tài xế đuổi sản phụ sắp sinh xuống xe, bỏ mặc sản phụ sinh con bên bờ đường và cháu bé sơ sinh tử vong. Luật sư cho rằng: "Hành vi của người lái xe kia rõ ràng là vô tâm, vô đạo đức, thiếu lương tâm nghề nghiệp và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Là người đi đường thấy hoàn cảnh đó cũng phải có nghĩa vụ cứu giúp, chưa nói tới anh này là người đang chở sản phụ đó tới bệnh viện theo dịch vụ vận chuyển.

Nếu trường hợp người sản phụ tử vong thì chắc chắn cơ quan Công an sẽ khởi tố người lái xe này về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự.

Còn trong trường hợp này, người bị tử vong là đứa trẻ, lại sinh non 7 tháng. Bởi vậy, có lẽ cơ quan điều tra sẽ cân nhắc, củng cố chứng cứ xem có đủ căn cứ xử lý về tội vô ý làm chết người hay tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không, trong tình huống cụ thể này thì pháp luật chưa có quy định cụ thể."

Sản phụ sinh non bên lề đường và cháu bé sơ sinh đã tử vong.

Luật sư phân tích thêm: Trong tình huống này, người đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là sản phụ (và có thể còn cả đứa trẻ trong bụng), nghĩa vụ của người lái xe trong tình huống này là phải cứu giúp sản phụ (đưa tới bệnh viện).

Tuy nhiên người này lại không thực hiện nghĩa vụ đó... nếu hậu quả mà sản phụ tử vong thì đúng như tình huống dự liệu của điều luật, người lái xe sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 132 Bộ luật hình sự mà không thể chối cãi.

Tuy nhiên, để chứng minh “người đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” là đứa trẻ trong bụng - thai nhi, người lái xe đã từ chối cứu giúp “đứa trẻ” - thai nhi đó dẫn đến đứa trẻ (thai nhi) tử vong... để xử lý hình sự theo tội danh này là rất khó bởi theo pháp luật Việt Nam "người nào", "con người" phải là đứa trẻ được sinh ra còn sống. Đứa trẻ trong tình huống này lại sinh non 7 tháng, nếu sinh trong bệnh viện cũng rất khó nuôi...

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng khó xử lý hình sự với tài xế.

Khi người lái xe bỏ mặc là bỏ mặc người mẹ và người mẹ đã không thiệt mạng. Còn thai nhi thì lại chưa được pháp luật thừa nhận là "con người" - chưa sinh ra nên không thể áp dụng được quy định này để xử lý hình sự. Còn đối với tội vô ý làm chết người cũng vậy, tội này đòi hỏi người vi phạm phải có lỗi vô ý đối với "người khác" (người khác phải là người đã sinh ra còn sống) dẫn tới người đó thiệt mạng.

Còn có hành vi bỏ mặc, xâm hại tới thai nhi thì theo pháp luật Việt Nam hiện nay sẽ không bị xử lý như hành vi bỏ mặc, xâm hại tới con người. Vấn đề này các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và sẽ có kết luận và có biện pháp xử lý phù hợp.

Xem thêm video: Cứu sống bé sơ sinh “đẻ rơi”, phần đầu kẹt trong âm đạo mẹ

Nguồn: VTC 14.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/san-phu-sap-sinh-bi-tai-xe-duoi-xuong-xe-kho-xu-ly-hinh-su-tai-xe-1265510.html