Sản phụ bị suy thận mạn tính vẫn sinh con khỏe mạnh

Sản phụ O. là một trong những bệnh nhân hiếm hoi bị suy thận mạn có thai, giữ được thai và duy trì được sức khỏe đến ngày thai nhi đủ điều kiện chào đời.

Bé trai nặng 2,3kg chào đời khỏe mạnh. Ảnh: PN Online

Bé trai nặng 2,3kg chào đời khỏe mạnh. Ảnh: PN Online

Ngày 24/9, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, lần đầu tiên bệnh viện điều trị cho bệnh nhân bị suy thận mạn lọc máu chu kỳ có thai 27 tuần. Đây là một trong những bệnh nhân hiếm hoi bị suy thận mạn có thai, giữ được thai và duy trì được sức khỏe đến ngày thai nhi đủ điều kiện chào đời.

Theo đó, thai phụ là chị B.T.O, 31 tuổi (ở Kim Bôi, Hòa Bình) có tiền sử viêm cầu thận mạn từ năm 6 tuổi, đã được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), tuy nhiên không duy trì mà về nhà uống thuốc nam.

Thai phụ đã có con gái 6 tuổi. Đến lần mang thai thứ 2, chị có biểu hiện mệt mỏi nhiều, buồn nôn, ăn uống kém. Lúc này, đi khám chị mới phát hiện mắc bệnh thận mạn giai đoạn V có chỉ định lọc máu chu kỳ.

Cụ thể, thai phụ phải điều chỉnh lọc máu từ 3 buổi/tuần lên 6 buổi/tuần để đảm bảo thải độc tốt hơn. Đồng thời điều chỉnh các loại thuốc điều trị thiếu máu, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn chuyển hóa can xi - phốt pho, dự phòng tiền sản giật, thúc đẩy sự phát triển của phổi thai nhi để vừa hỗ trợ điều trị tốt vừa không ảnh hưởng đến thai nhi.

Ngoài ra, các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng theo dõi điều chỉnh tăng cân, theo dõi từng chỉ số, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của thai nhi, rau thai…

Kết thúc đợt điều trị 5 tuần ổn định, các bác sĩ đã chuyển thai phụ lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ở tuần thai thứ 33, bệnh nhân được chỉ định kết thúc thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con. Bé trai Bùi Đan Huy, nặng 2,3kg chào đời khỏe mạnh trong niềm vui của các bác sĩ và người nhà.

Trao đổi với PV PN Online, bác sĩ Quách Thị Dung, Phó khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh nhân suy thận mạn tính và lọc máu chu kỳ có thai sẽ khó hơn cả trăm lần người bình thường.

Khi bị suy thận, các độc tố trong máu thai phụ tăng cao nên thai nhi khó phát triển bình thường. Do đó, để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, kỹ thuật lọc máu sẽ được thực hiện với một quy trình đặc biệt và có sự kết hợp theo dõi với nhiều chuyên khoa.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Dung khuyến cáo các triệu chứng ốm nghén 3 tháng đầu khi mang thai rất giống với triệu chứng bệnh thận mạn, do đó khi mang thai phải khám thai định kỳ.

Trong trường hợp đã mắc bệnh thận mạn tính, chị em cần cân nhắc các phương pháp tránh thai, đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn V có lọc máu chu kỳ. Lúc này, bệnh nhân thường bị rối loạn kinh nguyệt rất khó theo dõi và khi có thai lại dễ sảy thai và ảnh hưởng sức khỏe thai nhi về sau.

Nguyệt Hà (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/san-phu-bi-suy-than-man-tinh-van-sinh-con-khoe-manh-108202-9.html